Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi Quốc hội.
Bổ nhiệm người thân sai tiêu chuẩn làm dân mất lòng tin
Báo cáo nêu rõ, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2015; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn thấp; chất lượng của sản phẩm và năng suất lao động trong nước cải thiện còn chậm...
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn trước tình trạng cồng kềnh của bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết hoạt động trong thực tế, phần nào phản ánh sự trì trệ trong quản lý Nhà nước và tiêu cực, tham nhũng.
Đặc biệt, “tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân”, ông Nhân nói.
Giám sát Formosa thực hiện đủ cam kết
Báo cáo dành khá nhiều dung lượng nêu về tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) gây ra.
Nhiều ngư dân buồn bã vì không được ra khơi sau khi biển miền Trung bị Formosa xả thải gây nên hiện tượng hải sản chết hàng loạt. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ông Nhân nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động, đặc biệt là vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển và làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cử tri và người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các làng nghề gây ra, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước, các địa phương và khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và cả thế hệ tương lai.
"Cử tri và người dân rất bức xúc, không muốn tiếp tục chấp nhận thực tế là có nhiều nơi nạn “cát tặc” hoành hành, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm, “lâm tặc” chặt phá rừng và vận chuyển gỗ công khai. Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện biết, nhân dân khốn khổ, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy không chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng trên, không chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân" - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay.
Cử tri và người cũng đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải vào cuộc quyết liệt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, giám sát chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình.
Báo cáo cũng nêu, việc Formosa che dấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong nhân dân và công luận.
Cử tri và người dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam.
Người dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương.
Đồng thời, người dân cũng đề nghị giám sát Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời chỉ đạo rà soát việc thực thi các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường, quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, người dân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.
Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, công khai xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
cam kết bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD;
cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố ô nhiễm
môi trường.