Ngày 19/7, trung tướng 61 tuổi bị kết án 27 năm tù vì hưởng lợi từ đường dây buôn người. Đây là bản án cực kỳ hiếm hoi dành cho một thành viên cấp cao của lực lượng quân đội thống trị đất nước Chùa Vàng.
Sự sụp đổ của Manas bắt đầu từ năm 2015 khi các nhà điều tra phát hiện những nhà tù bí mật ở miền Nam, nơi di dân bị bỏ đói và tra tấn bởi những tay buôn người khát tiền chuộc.
Vụ việc nổ ra, phát lộ vai trò khủng khiếp của Thái Lan trong đường dây tội phạm chuyên luân chuyển các nạn nhân từ Myanmar sang Malaysia, buộc chính phủ cầm quyền phải bắt đầu một cuộc đàn áp có phần muộn màng.
Cảnh sát lần theo đường dây ăn tiền dẫn thẳng đến Manas, được biết đến như một vị tướng cứng rắn có niềm đam mê với môn đấu bò.
Sự dính líu của Manas vào đường dây buôn người là quá rõ ràng, và nó lại đến vào thời điểm chính quyền quân sự Thái Lan rất muốn chứng tỏ sự liêm khiết.
Manas bị cảnh sát dẫn giải trong phiên tòa tháng 11/2015. Ảnh: Reuters. |
Ăn tiền và lợi dụng chức quyền
Manas lần đầu bị cáo buộc là nghi phạm vào năm 2015 sau khi cảnh sát chặn 5 xe tải tại chốt kiểm soát ở Nakhon Si Thammarat. Bên trong những chiếc xe tải này là 98 người Rohingya mệt mỏi và thiếu ăn. Một phụ nữ đã chết ngạt. Hai người khác chết trong bệnh viện sau đó. Những người còn sống nói họ là nạn nhân của bọn buôn người.
Cảnh sát tỉnh, với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ chống buôn người Freeland, dùng điện thoại thu được từ các tay tài xe để theo dõi lộ trình của chúng.
Đường dây buôn người chạy xuyên miền Nam của Thái Lan, từ ven biển Ranong đến gần biên giới với Malaysia. Dân di cư từ Myanmar bị giam giữ trong những điều kiện kinh khủng tại những trại người tràn lan dịch sốt rét.
Hồ sơ lưu trong điện thoại và ngân hàng điện tử của các tài xế giúp cảnh sát tìm ra Sunan Saengthong, một chính trị gia và doanh nhân ở Ranong. Tên này đã gửi gần 600.000 USD vào các tài khoản đứng tên Manas.
Tháng 5/2015, cảnh sát tìm thấy thêm nhiều phiếu thanh toán ngân hàng cho thấy cháu trai của Sunan cũng chuyển những khoản tiền khổng lồ cho Manas. Sunan chịu bản án 35 năm tù nhưng cháu hắn và nhiều người có liên quan được tại ngoại.
Vào thời điểm các vụ chuyển tiền diễn ra, Manas là chỉ huy hàng đầu của lực lượng an ninh miền Nam của Thái Lan.
Nhiệm vụ của ông ta là thực hiện chính sách gây tranh cãi: ngăn chặn các tàu của người Rohingya vô gia cư cố gắng trốn chạy từ Myanmar. Tuy nhiên, Manas đã lợi dụng vị trí và công việc của mình để làm điều ngược lại, thông đồng với các quan chức và doanh nhân để trục lợi từ các đường dây buôn người.
Các nhân chứng cho biết vào năm 2012, Manas đã chỉ thị cho các sĩ quan bắt một chiếc tàu chở 265 người Rohingya quay lại Myanmar, nhưng thực chất là bí mật đưa tàu và người vào những nhà tù trong các cánh rừng miền Nam của Thái Lan.
Khi số nạn nhân người Rohingya và Bangladesh trong đường dây buôn người tăng vọt, cũng là lúc Manas có sự thăng tiến cao trong quân đội. Ảnh: AFP. |
Thăng tiến cao trong quân đội
Hoạt động buôn người tiếp tục phát triển cho đến năm 2015, khi hàng chục nghìn nạn nhân trong một đường dây có giá trị lên tới gần 250 triệu USD được phát hiện. Trong số các nạn nhân, nhiều người bị dụ dỗ bởi các công ty môi giới việc làm, số khác bị tấn công, bắt cóc và đưa lên thuyền.
Thái Lan là nơi bọn buôn người hoạt động mạnh mẽ nhất. Những tên cai ngục trong rừng điện cho gia đình của những người di cư, đe dọa giết họ nếu không được gửi thêm tiền.
Theo Freeland, những người còn trẻ và khỏe mạnh bị bán làm lao động trong các đồn điền dầu cọ hoặc tàu đánh cá ở Malaysia.
Trong suốt thời gian đó, vị thế của Manas trong quân đội liên tục lên cao, với ảnh hưởng trải dài suốt miền Nam của Thái Lan. Nhiều tháng trước khi bị bắt năm 2015, Manas đã được thăng hàm trung tướng và có nhiệm vụ như một cố vấn quân sự.
Manas có tiếng là người hoạt động táo bạo, vượt qua luật pháp. Năm 2004, ông từng liên quan đến cuộc đột kích vào một ngôi đền ở phía nam Thái Lan khiến 30 phiến quân Hồi giáo thiệt mạng. Đây là vụ việc châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của những đối tượng này hiện vẫn làm đau đầu chính quyền Thái Lan.
Manas là quan chức quân đội duy nhất bị kết tội trong phiên tòa xử vụ buôn người lớn nhất lịch sử Thái Lan hồi tuần trước. Các nhóm hoạt động vì nhân quyền hoan nghênh phán quyết của tòa, nhưng cũng cảnh báo còn nhiều nghi phạm vẫn ở ngoài vòng pháp luật.