Al Jazzera cho biết tính tới tối ngày 19/7, 21 trong số 103 bị cáo đã bị tuyên tội buôn người, một số người còn kèm theo tội tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, giam giữ người đến chết và hiếp dâm.
Trong số đó, Thượng tướng Manas Kongpaen bị kết tội buôn người và nhận hối lộ. Pajjuban Aungkachotephan, một doanh nhân và là cựu chính trị gia ở tỉnh miền Nam Satun, được xem là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới buôn người. Aungkachotephan cũng bị tuyên có tội.
Nhiều cảnh sát, chính trị gia địa phương tại Thái Lan và công dân Myanmar nằm trong số 103 người bị xét xử.
Thượng tướng Manas Kongpaen (giữa). Ảnh: Reuters. |
Vụ việc nổ ra vào năm 2015 sau khi 36 thi thể được phát hiện trong một khu mộ ở miền Nam Thái Lan. Từ đó, giới chức Thái Lan khám phá ra cả mạng lưới buôn người Rohingya, cộng đồng người thiểu số sống tại Myanmar và Bangladesh. Bọn buôn người giữ những người Rohingya, vốn đang chạy trốn sự đàn áp tại Myanmar, trong các trại dựng giữa rừng, chờ ngày chuyển đến Malaysia.
Giới chức Thái Lan cho rằng những kẻ buôn người đã giữ người Rohingya trong rừng như con tin cho đến khi gia đình họ trả tiền chuộc. Nhiều người đã không bao giờ được chuộc về.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng vụ án này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", các đường dây buôn người Thái Lan vẫn tồn tại và mang lại món lợi lớn cho những kẻ tham gia. Chính phủ Thái Lan bác bỏ các cáo buộc này.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, kêu gọi người dân không chỉ trích quân đội vì vụ việc này.
"Có rất nhiều người trong mạng lưới buôn người. Đừng đánh đồng tất cả binh sĩ của đất nước này làm một", Reuters dẫn lời Thủ tướng Chan-ocha nói ngày 19/7.