Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến chống buôn người trên đất Thái Lan

Cơn lũ người nhập cư đổ vào Thái Lan và Malaysia sinh ra một loại tội phạm mới, đó là những “tập đoàn” buôn người bất hợp pháp trên đất Thái.

Tại văn phòng cảnh sát, một người bán hàng rong 35 tuổi đã châm ngòi chiến dịch điều tra chống tội phạm buôn người chấn động Đông Nam Á. Người đàn ông Hồi giáo dòng Rohingya - nhóm người tới Thái Lan từ miền Tây Myanmar - bán đồ ăn dạo ở Nakhon Si Thammarat, thành phố miền Nam Thái Lan. Cháu trai ông là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Nỗ lực tìm kiếm cháu trai trong tuyệt vọng của người bán hàng rong dẫn tới việc phát hiện hàng loạt ngôi mộ trong khu rừng gần biên giới Thái Lan – Malaysia trong tháng 5, thổi bùng cuộc khủng hoảng trong khu vực đông người Rohingya đang náu thân. Lo sợ bị trả thù, người bán hàng rong đang được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt.

Các “tập đoàn” buôn người rất để tâm tới người Hồi giáo Rohingya. Phần lớn người vượt biên sang Thái Lan đều bị rơi vào địa bàn hoạt động của những kẻ buôn người ở khu rừng rậm ngăn cách biên giới Thái Lan và Malaysia.

Trong chiến dịch chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp, cảnh sát Thái Lan và Malaysia đã tìm thấy 175 ngôi mộ của những người di cư gần các trại. Sau nhiều ngày bán mạng cho tử thần trên những chiếc tàu gỗ ọp ẹp được gọi là “quan tải nổi”, người nhập cư tiếp tục đối mặt với những kẻ buôn người bất hợp pháp tại nơi họ hy vọng là “vùng đất hứa”.

Sau khi rơi vào tay những kẻ bắt cóc, gia đình nạn nhân bị đòi khoản tiền chuộc khoảng 2.800 USD. Nếu gia đình ở quê nhà chấp thuận trả, họ sẽ được tự do. Ngược lại, nạn nhân sẽ bị bán làm nô lệ trên những tàu cá. Trong quá trình giam giữ, chúng sẽ tra tấn nạn nhân để nhanh chóng đòi được khoản tiền chuộc. Nhiều người chết vì đòn roi tra tấn của những kẻ buôn người.

Dù gia đình trả tiền, người bán hàng rong không đón được người cháu trong tay những kẻ mất tích. Lo sợ cho tính mạng đứa cháu, người bán hàng rong làm đơn khiếu nại tới cảnh sát địa phương vào tháng 12/2014. Tuy nhiên, họ không quan tâm tới vụ việc này đúng mức như hiện nay.

Aek Angsannanont, quan chức cấp cao của cảnh sát Thái Lan đảm trách các chiến dịch trấn áp nạn buôn người, cho biết, chính quyền đang nghiêm túc xem xét vấn nạn buôn người. “Tôi không biết gì về chính sách của những chính quyền trước nhưng tôi chịu trách nhiệm xử lý vấn đề này vì chính quyền đã nhận thấy sự nguy hại của nó”, ông Aek nói.

Thiếu tướng Thatchai Pitaneelaboot, người dẫn đầu cuộc chiến chống buôn người ở miền Nam Thái Lan, cho biết, loại tội phạm này làm tổn hại tới hình ảnh của Thái Lan. Tuy nhiên, vị tướng cho rằng: “Nếu chúng ta muốn xóa sổ nạn buôn người, chúng ta không được phép giấu nó. Chúng ta cần đặt nó ra ánh sáng”.

Quan chức đại điện của Cảnh sát Thái Lan cho biết, nhà chức trách gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Các nhân chứng, thường là người lao động nghèo, không dám cung cấp tin cho cảnh sát vì sợ bị trả thù. Trong khi đó, nghi can thường được những luật sư giỏi bào chữa và có mối quan hệ chặt chẽ với các chính trị gia hoặc quan chức.

Năm 2014, Mỹ xếp Thái Lan đứng đầu trong danh sách những quốc gia bị nạn buôn người hoành hành nhất thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đang có những đánh giá tốt hơn về cuộc chiến chống buôn người ở Thái Lan.

Hồng Duy

Ảnh: Reuters

Bạn có thể quan tâm