Người nhập cư bất hợp pháp trên đảo Manus, Papua New Guinea. Ảnh: BBC |
Nhà tù biệt lập
BBC cho biết, khoảng 1.000 người nhập cư bấp hợp pháp vào Australia đang bị nhốt trên đảo Manus. Đây là một phần của chính sách tị nạn cứng rắn mà quốc gia châu Đại Dương thực thi. Những người rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống mới ở một trong những nước giàu nhất thế giới phải sống cuộc sống của những kẻ túng quẫn nhất hành tinh.
Đảo Manus là nơi khá tách biệt với thế giới. Nó được mệnh danh là "Guantanamo giữa Thái Bình Dương". Tại châu Mỹ, Washington xây dựng nhà giam trên đảo Guantanamo của Cu Ba để giam giữ các tù binh và khủng bố với những biện pháp quản lý và tra tấn khắc nghiệt.
Các phóng viên rất khó tiếp cận đảo Manus nên phải đóng giả làm khách du lịch. Họ giấu máy ảnh để qua mặt nhà chức trách Australia trước khi lên đảo. Phóng viên Jon Donnison của BBC thuật lại:
"Chúng tôi bắt gặp người tị nạn. Họ áp mặt vào hàng rào dây thép. Nhiều người bị nhốt ở đây trong gần 2 năm. Phần lớn người tị nạn rời bỏ quê hương vì chiến tranh và nghèo đói. Họ chấp nhận mạo hiểm tính mạng khi rời Syria, Iraq, Afghnistan.... trên những con thuyền tồi tàn để đổi lấy cuộc sống bị giam cầm chưa có hồi kết".
Trong những năm qua, đảo Manus trở thành điểm đến bất đắc dĩ của những người đi tìm "miền đất hứa". Cảnh đông đúc trong các nhà giam gây ra tình trạng bạo loạn, làm ít nhất một người tị nạn Iran thiệt mạng. Nhằm phản đối tính hợp pháp của trại, nhiều người tị nạn đã tuyệt thực. Nhiều người chọn cách đau đớn hơn là khâu môi. Ít nhất một người đàn ông nuốt dao cạo râu vì quá tuyệt vọng.
Bốn người sống trong căn phòng rộng 2 m2
Khu trại dành cho người tị nạn trên đảo. Ảnh: BBC |
Phần lớn những người trên đảo Manus đều rất sợ nói chuyện. Tuy nhiên, phóng viên BBC bắt chuyện được với một người đàn ông tới từ Trung Đông. Ông sử dụng tên giả là Ahmed và đã bị nhốt 18 tháng trong các trại giam ở Australia trước khi bị đưa tới Manus.
Ahmed nói: "Điều kiện giam giữ ở đây vô cùng khủng khiếp. Bốn người chúng tôi phải sống trong một căn phòng rộng chừng 2 m2. Điều đó rất không công bằng. Chính phủ Australia đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người của chúng tôi. Họ cũng chẳng có kế hoạch nào để chúng tôi thoát khỏi tình cảnh này".
Ahmed phải trốn chạy sau nỗ lực vạch trần tình trạng thối nát của doanh nghiệp ông làm việc ở quê nhà. Ahmed cũng công khai từ bỏ đạo Hồi, hành động khiến ông lĩnh án tử. Rời bỏ gia đình là cách duy nhất giúp Ahmed giữ được mạng sống.
"Tôi có một đứa em gái và tôi thực sự yêu quý nó. Tôi cũng yêu bố mẹ mình và rất đau khổ khi vạ vật trong tình cảnh này và không có họ ở bên. Tuy nhiên, tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác. Tôi đang nỗ lực để bắt đầu lại cuộc sống - cuộc sống thực sự của đời mình", Ahmed nói.
Hiện tại, khoảng 20 người như Ahmed được chấp nhận cho nhập cư trên đảo Manus như những người tị nạn. Họ có thể rời khỏi các khu nhà giam tới trung tâm tái định cư, nơi cuộc sống được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên, binh sĩ vũ trang luôn canh phòng cẩn mật khu vực này.
Ahmed được ra ngoài vào ban ngày và được dạy nghề. Những người tị nạn như ông xuất hiện ở nhiều nơi trên đảo nhưng bị cấm làm việc để kiếm tiền. Lệnh giới nghiêm buộc họ trở lại khu tái định cư trong khoảng thời gian từ 18h ngày hôm trước tới 6h sáng ngày hôm sau.
"Rất nhiều trong số những người tị nạn là bác sĩ, giáo viên, kỹ sư hay nghệ nhân. Họ rất thông minh và chúng tôi có thể tận dụng kỹ năng của họ. Tôi cảm thấy tiếc cho họ. Họ là con người và họ muốn được tự do. Tuy nhiên, họ phải chấp thuận trở thành công dân của Papua New Guinea để có được điều đó", một nhân viên an ninh trên đảo Manus tiết lộ với điều kiện giấu tên.
Trong năm 2013, chính phủ Australia đã ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với Papua New Guinea để sử dụng đảo Manus làm nơi tạm giữ và tái định cư cho người tị nạn. Australia muốn người tị nạn hiểu rằng, với bất cứ lý do nào, họ sẽ không được phép sống trên đất Australia.
Hiệu quả cao
Khoảng 1.000 người nhập cư phải sống trong điều kiện tồi tàn và thiếu thốn. Ảnh: BBC |
Tính tới năm 2013, hàng chục nghìn người tị nạn tìm đường tới Australia trên những con thuyền gỗ ọp ẹp, dẫn tới cái chết của hàng trăm người. Hai năm sau, số tàu chở người tị nạn cập bến Australia đã giảm xuống gần như bằng không. Hải quân Australia tuần tra trên biển, buộc các tàu chở người tị nạn quay trở lại nơi nó xuất phát.
Một số nguồn tin cho biết, chính phủ Australia trả tiền cho những kẻ buôn người để chúng từ chối chở người nhập cư tới quốc gia này. Nó giống hình thức trả tiền bảo kê. Thủ tướng Tony Abbott đã phủ nhận tính xác thực của thông tin nhưng ông thừa nhận Australia sử dụng những "chiến lược sáng tạo" để ngăn thuyền chở người nhập cư cập bến, bao gồm cả việc "hợp tác với kẻ gian".
Trong khi đó, các trại tị nạn mang lại khá nhiều lợi ích cho quốc gia nghèo Papua New Guinea. Trên đảo Manus, người dân được đào tạo để trở thành nhân viên bảo vệ. Tiền thuê đảo được Australia trả cho chính phủ Papua New Guinea. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng số tiền 300 triệu USD quá rẻ.
Phản ứng quốc tế
Vịt rí đảo Manus. Đồ họa: Google |
Thủ tướng Tony Abbott kêu gọi châu Âu noi gương Australia để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Địa Trung Hải. Một số quốc gia nhận thấy hiệu quả từ cách thức của Canberra nhưng các nhóm nhân quyền gọi phương pháp của Australia là độc ác và vô nhân đạo. Liên Hợp Quốc gọi cách đối xử trong các trại trên đảo Manus là "tra tấn".
Trong khi đó, tương lai của những người tị nạn trên đảo Manus khá mù mịt. Họ là những người mà không quốc gia nào trên thế giới muốn chấp nhận. Liên Hợp Quốc cáo buộc Australia đang trốn tránh nghĩa vụ quốc tế.