Louisa Hope – vợ ông Tonny V. |
Ông Tonny V, đến từ vùng South Yorkshire, nói với tờ The Mirror: “Tên ấy bước vào và vớ lấy vợ tôi làm lá chắn sống suốt 17 giờ. Mọi thứ thật kinh hãi. Hắn nhất mực không chịu buông cô ấy phút giây nào, ngay cả khi chợp mắt. Khi thấy hắn ghì chặt Louisa (vọ ông Tonny), mẹ vợ tôi gào thét đòi hắn để cô ấy yên”, ông nói.
Vợ ông bị bắn vào chân trong khi mẹ cô lãnh một vết thương do đạn bắn vào vai. Theo lời ông Tonny, mẹ vợ có cơ hội trốn thoát nhưng bà không đành bỏ rơi con gái.
Đài BBC dẫn lời giới chức Iran cho biết 14 năm trước, nước này đã yêu cầu Australia giao nộp Man Haron Monis nhưng bị từ chối. Tướng Ismail Ahmadi Moghaddam nói rằng ở Iran, Haron Monis được biết đến với tên “Manteqi” và từng bị truy nã vì tội danh lừa đảo.
“Năm 1996, y là quản lý một hãng du lịch và phạm tội lừa đảo. Sau đó, hắn tị nạn ở Malaysia và sau đó sang Australia bằng tên giả. Chúng tôi không có thỏa thuận trao trả phạm nhân với Australia. Do đó, cảnh sát Australia đã từ chối trao trả hắn về cho Iran”, Tướng Moghaddam cho biết.
Trong khi đó, chính phủ Australia đang điều tra lý do thủ phạm vụ bắt cóc được bảo lãnh sau nhiều cáo buộc khác nhau. Haron Monis dính đến nhiều hoạt động tôn giáo nhưng chưa có bằng chứng cho thấy những hoạt động này có mối liên kết đến các phong trào Hồi giáo toàn cầu. Ngoài ra, Haron Monis đang đối mặt với hơn 40 cáo buộc tấn công và quấy rối tình dục.
Năm 2013, y bị cho là đồng phạm trong vụ giết hại vợ cũ ở Sydney nhưng được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh. Bà Noleen Hayson Pal (30 tuổi) bị đâm đến chết rồi bị thiêu xác hồi tháng 4/2013. Người tình của Haron Monis khi đó là Amirah Droudis bị truy tố với tội danh giết người. Luật sư cho biết y “phủ nhận hoàn toàn” cáo buộc tấn công và tội đồng lõa liên quan đến cái chết của vợ cũ.
Theo tờ Sydney Morning Herald (SMH), chính quyền bang New South Wales đang kêu gọi một cuộc điều tra làm sáng tỏ việc Man Haron Monis đã “lách qua khe cửa hẹp” của hệ thống tư pháp và được tại ngoại. Vào tháng 4, Monis phải hầu tòa ở tòa án địa phương Parramatta, bang New South Wales. Lúc đó, y không xin bảo lãnh và tiếp tục bị giam giữ.
Hôm 20/5, chính quyền bang đưa ra những thay đổi lớn trong luật bảo lãnh, bỏ đi những cách giả định đã có hàng thập kỷ để ngăn chặn việc cho tại ngoại đối với những cáo buộc nghiêm trọng. Với luật mới, các quan tòa sẽ kiểm tra hai bước để quyết định có cho một người tại ngoại hay không.
Ở Iran, Haron Monis từng bị truy nã vì tội danh lừa đảo. |
Thứ nhất, liệu người bị cáo buộc có tiềm tàng “nguy cơ không chấp nhận được” khi lặp lại hành vi hay không. Thứ hai, có thể giảm nhẹ mối nguy hiểm bằng điều kiện bảo lãnh hay không.
6 ngày sau khi luật mới có hiệu lực, ngày 26/5, y được cho tại ngoại tại tòa án Parramatta. Ngày 10/10, Monis bị truy tố với 40 cáo buộc liên quan đến tấn công tình dục 6 phụ nữ. Đáng ra y sẽ phải ra tòa vào ngày 12/12, nhưng phiên tòa lại bị hoãn tới tháng 2/2015.