Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

37 người chết trong khủng hoảng con tin Algeria

Thủ tướng Algeria cho hay, 37 người nước ngoài mang 8 quốc tịch và một công nhân bản địa bị giết trong cuộc khủng hoảng con tin tại nhà máy khí đốt của nước này.

37 người chết trong khủng hoảng con tin Algeria

Thủ tướng Algeria cho hay, 37 người nước ngoài mang 8 quốc tịch và một công nhân bản địa bị giết trong cuộc khủng hoảng con tin tại nhà máy khí đốt của nước này.

Ngoài ra, trong buổi họp báo hôm qua, Thủ tướng Abdelmalek Sellal cho biết, 29 phiến quân chiếm giữ nhà máy gần thị trấn In Amenas đã bị giết và 3 người bị bắt sống. Những chiến binh này gồm 11 người Tunisia, 2 người Canada và một số người mang quốc tịch khác. Cuộc bao vây kéo dài 4 ngày kết thúc hồi cuối tuần qua khi quân đội Algeria chiếm lại nhà máy song đến nay vẫn còn 5 con tin mất tích.

Ông Sella ca ngợi quyết định xông vào nhà máy của lực lượng đặc biệt Algeria, đồng thời cho rằng mục đích của những kẻ bắt cóc là thổi bay nhà máy khí đốt. “Những kẻ khủng bố cũng bắn một số con tin vào đầu và giết chết họ”, ông Sellal nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Algeria, nhóm bắt cóc xâm nhập vào Algeria từ phía bắc Mali. Nhóm phiến quân nói rằng, chúng giữ con tin để trả đũa cho việc Pháp can thiệp chống lại người Hồi giáo ở Mali đầu tháng này.

Tuy nhiên, ông Sellal cho biết việc tấn công nhà máy khí đốt đã được lên kế hoạch trong hơn 2 tháng. Cảnh sát Algeria tiết lộ, nhóm bắt cóc do tên Mokhtar Belmokhtar tổ chức. Belmokhtar là một lãnh đạo phiến quân và gần đây có bất đồng với tổ chức khủng bố al Qaeda ở vùng Maghreb Hồi giáo (AQIM), vốn có nguồn gốc ở Algeria nhưng hiện hoạt động khắp Sahara và vùng Sahel.

Nhà máy khí đốt In Amenas, nơi xảy ra vụ bắt cóc.

Vụ khủng hoảng con tin bắt đầu từ hôm 16/1 khi nhóm phiến quân tấn công 2 xe bus chở công nhân nước ngoài đến vùng xa xôi phía đông Algeria. Chúng sau đó bắt giữ con tin tại một nhà máy và nhanh chóng bị quân đội Algeria bao vây.

Truyền thông nhà nước Algeria cho hay, 685 công nhân nước này ở nhà máy đã kịp trốn thoát, trong khi một số báo cáo cho rằng, nhóm phiến quân nói với họ chúng chỉ tấn công người không theo đạo Hồi.

Nhật Bản hôm qua cho hay, 7 công dân nước này bị giết hại và 3 người khác đang mất tích. Các quan chức Mỹ xác nhận, có 3 người Mỹ thiệt mạng và 7 người sống sót. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng 3 công dân Anh đã bị giết và 3 người khác đang mất tích. Ông Cameron cho hay, cuộc khủng con tin càng nhấn mạnh rằng, "phản ứng an ninh mạnh mẽ" được quyết định bởi "phản ứng chính trị thông minh".

Theo BBC, những người nước ngoài bị giết hoặc đang mất tích cũng gồm các công nhân của Pháp, Na Uy, Malaysia, Philippines và Romania.

Bình An

Theo Infonet

Bình An

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm