Ngày 18/10, Sở Ngoại vụ Kiên Giang phối hợp cùng lực lượng chức năng tỉnh này bàn giao 7 mẫu ADN cho cơ quan ngoại giao Trung Quốc. Những mẫu ADN này được giám định từ 7 nạn nhân trôi dạt vào Bãi Trường, xã Dương Tơ và phường Dương Đông, TP Phú Quốc vào ngày 29/10.
Ngoài 7 mẫu ADN, phía Trung Quốc cũng tiếp nhận 9 công dân nước này, được Đồn Biên phòng Cửa khẩu An Thới cho ăn, nghỉ gần một tháng qua. Họ được tàu khai thác thủy sản cứu vớt trên vùng biển thuộc khu vực bắc đảo Phú Quốc, cách Gành Dầu khoảng 20 hải lý.
9 người này cho biết họ mang quốc tịch Trung Quốc, đi từ Phúc Kiến sang Campuchia bằng tàu cá vào ngày 11/9. Trên tàu có khoảng 20 người và đã 2 lần đổi qua phương tiện khác nhau. Đến 10h ngày 22/9, tàu chở nhóm người này bị chìm khi đến gần vùng biển Campuchia.
Cùng thời gian trên, AFP đưa tin ông Kheang Phearom, người phát ngôn chính quyền tỉnh Sihanoukville (Campuchia), cho biết con thuyền chở 41 công dân Trung Quốc bị chìm ngoài khơi vào ngày 22/9. Ông Phearom nói rằng đã cứu 18 người, 23 nạn nhân mất tích.
Cảnh sát trưởng tỉnh Chuon Narin nói với hãng Fresh News rằng họ dùng xuồng cao tốc rời Trung Quốc từ tỉnh Quảng Đông vào ngày 11/9. Một tuần sau, họ được chuyển qua một con thuyền gỗ, với hai người Campuchia, trên vùng biển quốc tế. Con tàu bắt đầu chìm sau khi bị vỡ vào hôm 22/9.
Từ những thông tin trên, cơ quan chức năng nghi 7 nạn nhân trôi dạt vào bãi biển Phú Quốc là những nạn nhân người Trung Quốc bị đắm thuyền. Trong ví chứa giấy tờ tùy thân của một người có căn cước công dân Trung Quốc.
Ông Nguyễn Việt Thông, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang, cho biết 9 công dân Trung Quốc đã lên máy bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc cùng 7 mẫu ADN vào trưa 18/10.