Trong lần thứ 4 gửi thư lên Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đề nghị lưu hành hai văn bản về lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Lên án hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc
Nội dung thư nêu rõ, tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã tồn tại từ rất lâu và không phải là nguồn gốc của căng thẳng gia tăng hiện nay ở Biển Đông. Tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo qui định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đã huy động hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động liên tục đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh do các phóng viên quốc tế quay chụp tại hiện trường cho thấy rõ các hành động bạo lực, hung hăng này của Trung Quốc.
Đáng lưu ý, ngày 26/5/ 2014 tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mà không xem xét đến sự an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo đối với những người đi biển.
Những luận cứ đanh thép của Việt Nam
Trong tài liệu lưu hành tại LHQ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy quần đảo Hoàng Sa không được giao cho Trung Quốc tại các Hội nghị quốc tế trước và sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, như Hội nghị Cairo (11/1943), Hội nghị Potsdam (7/1945), Hội nghị hòa bình San Francisco (8/1951), Hội nghị Geneva (1954). Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việc Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa không thể tạo nên chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Tuyên bố đó liên quan đến các vùng biển, không giải quyết các vấn đề lãnh thổ. Trên thực tế, những kết luận mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đang mâu thuẫn với chính các phát biểu của Trung Quốc, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.Tháng 9/1975, 17 năm sau Công thư nói trên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên quan tới việc giải quyết bất đồng giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói với nhà Lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng “với nguyên tắc thông qua Hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của ông Đặng Tiểu Bình, thể hiện nhận thức của Trung Quốc rằng vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía Trung Quốc qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.
Đây là lần thứ 4 Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.