15h chiều 3/7, rất đông phóng viên quốc tế có mặt tại Nhà khách Chính phủ. Cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Philippines vừa thăm Việt Nam, và máy bay Mỹ đã xuất hiện nhiều lần trên vùng biển của Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Nhiều câu hỏi nóng đã được đặt ra với ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo. |
Trả lời câu hỏi "Việt Nam và Philippines trao đổi gì về việc kiện Trung Quốc trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Philippines mới đây?", ông Lê Hải Bình cho hay, hai bên đã trao đổi hợp tác ASEAN và hợp tác ở biển Đông; đề cao đoàn kết của ASEAN trong hòa bình khu vực; cùng nhau yêu cầu chấm dứt hành động thực hiện đúng luật biển, đảm bảo thưc hiện DOC, tiến tới COC.
"Thời gian qua, Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động đối ngoại, tham gia diễn đàn quốc tế như bình thường. Các hoạt động này cho thấy thế, lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Riêng vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 thì hành động chính nghĩa, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam đã được quốc tế ủng hộ", ông Bình nói.
Về thời điểm kiện Trung Quốc như thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. Việt Nam không loại trừ sử dụng biện pháp pháp lý và đang cân nhắc thời điểm để tiến hành.
"Hoàn cảnh và thời điểm đó chắc chắn đem lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của mình", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Bình luận về việc máy bay Mỹ xuất hiện ở khu vực giàn khoan và đại diện Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định, đang đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam xác minh rõ thông tin liên quan đến máy bay Mỹ.
"Việc ủng hộ của Mỹ, đến nay, cộng đồng quốc tế đều lên tiếng ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, yêu cầu chấm dứt căng thẳng, hành vi ngang ngược, vi phạm công ước quốc tế về luật biển 1982", ông Bình nói thêm.
Bày tỏ sự quan tâm của Việt Nam đến thông tin Nội các Nhật Bản cho phép giải thích lại hiến pháp để Nhật có thể đưa quân ra nước ngoài hỗ trợ đồng minh, ông Lê Hải Bình chia sẻ: "Việt Nam hy vọng Nhật với tư cách quốc gia có ảnh hưởng lớn sẽ nỗ lực đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định trong khu vực".
Theo ông Hải Bình, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản tới Việt Nam đang được hai bên tích cực thu xếp vào một thời điểm thuận tiện. Chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là khi hai bên đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
"Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc mở rộng vùng cảnh báo bão ra toàn thể khu vực biển Đông là không thể chấp nhận. Thực tế, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng về việc Trung Quốc vừa công bố cảnh báo bão toàn bộ khu vực biển Đông.
Trả lời về những đối sách tiếp theo của Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định, các lực lượng thực thi pháp luật tại thực địa vẫn đang kiên trì tuyên truyền, yêu cầu lực lượng của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Sự kiên trì này nhằm tránh sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc, và được cộng đồng quốc tế, các phóng viên nước ngoài đi ra thực địa đánh giá cao.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng các hành động ngang ngược của tàu, máy bay của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an ninh hàng hải ở khu vực", ông Hải Bình nhấn mạnh.
Đối với thông tin, Trung Quốc công bố luật cho phép quân đội nước này có quyền ngăn chặn ngư dân nước ngoài ở vùng biển Trung Quốc đặt ra, ông Lê Hải Bình cho rằng, nó liên quan đến Luật chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các bên phải tuân thủ công ước luật biển và chủ quyền của các bên. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện cho ngư dân của mình hoạt động ở các ngư trường ở biển Đông.