Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VPBank muốn trả cổ tức và phát hành cổ phiếu tăng vốn

HĐQT VPBank đã ban hành nghị quyết chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Trong nghị quyết Hội đồng Quản trị mới được VPBank công bố, ban lãnh đạo ngân hàng này đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản.

Trong đó, nội dung lấy ý kiến là trình cổ đông việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là 13/7 và việc lấy ý kiến sẽ được diễn ra ngay trong tháng này.

HĐQT giao và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT - ông Ngô Chí Dũng - ký các văn bản, triển khai các thủ tục cần thiết theo quy định để thực hiện việc chốt danh sách cổ đông và tiến hành đăng ký, xin chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề lấy ý kiến kể trên.

Đáng chú ý, thông tin này được ban lãnh đạo VPBank đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra.

Tại phiên họp ngày 29/4, ông Ngô Chí Dũng đã cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm nay mà phải đợi đến cuối năm, khi các hoạt động kinh doanh đạt kết quả, HĐQT mới trình cổ đông kế hoạch tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu vào năm 2022.

Theo tính toán của lãnh đạo ngân hàng, vốn điều lệ sau tăng vào năm 2022 của VPBank có thể đạt tối thiểu 75.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.

VPBank muon tra co tuc tang von anh 1

Lãnh đạo VPBank trước đó cho biết kế hoạch tăng vốn sẽ được trình cổ đông vào năm 2022. Ảnh: VPB.

Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của ngân hàng vào khoảng 52.700 tỷ đồng. Theo ông Dũng, dựa vào một số nguồn thu trong năm nay, vốn chủ sở hữu đến cuối năm có thể đạt trên 90.000 tỷ.

Các nguồn thu này bao gồm khoản phí có thể thu từ việc gia hạn hợp đồng bảo hiểm với đối tác; thu từ bán vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản); và thu từ lợi nhuận năm nay để lại (dự kiến đạt hơn 16.600 tỷ).

Cũng tại phiên họp thường niên, HĐQT VPBank không có tờ trình chia cổ tức mà xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

VPBank chỉ trình cổ đông phương án tái phát hành/bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên năm 2021 (ESOP) với khối lượng 15 triệu đơn vị, trên tổng số 75,2 triệu cổ phiếu quỹ.

Tuy nhiên, ông Ngô Chí Dũng cho biết ban lãnh đạo đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Và nếu đạt được thỏa thuận, VPBank sẽ dùng một phần cổ phiếu quỹ kể trên cùng số phát hành mới để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

VPBank muon tra co tuc tang von anh 2

Diễn biến giá cổ phiếu VPB từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingview.

Mới đây, VPBank đã khóa room nước ngoài ở mức 15% để dành phần sở hữu còn lại tìm kiếm đối tác chiến lược.

"Hiện ngân hàng đã đàm phán với các đối tác nhưng chủ trương là ưu tiên cổ đông tham gia với vai trò chiến lược. Nếu được, có thể cuối năm nay sẽ phát hành cho cổ đông ngoại và huy động thêm vốn chủ sở hữu cho VPBank", ông Dũng nhấn mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, dù là một trong những cổ phiếu ngân hàng bị điều chỉnh giảm mạnh nhất từ giữa tháng 6 đến nay, nhưng tính từ đầu năm, giá cổ phiếu VPB vẫn tăng gần 93%, từ vùng 34.000 đồng lên 66.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Thậm chí, nếu tính từ đáy 30.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 1, giá cổ phiếu VPB đã tăng tới 140% lên đỉnh 72.000 đồng vào đầu tháng 6, trước khi chịu áp lực điều chỉnh về mức hiện tại.

Trong 1 năm gần nhất, thị giá VPB đã ghi nhận mức tăng ròng 190%. Đà tăng này cũng giúp VPBank trở thành một trong 10 doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất thị trường với 162.000 tỷ đồng vốn hóa. Đồng thời, VPBank cũng xếp thứ 5 trong nhóm các ngân hàng niêm yết về quy mô vốn hóa, sau Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank.

Nhóm quỹ ngoại thành cổ đông lớn của VPBank

Sau khi mua thêm 3,15 triệu cổ phiếu VPB, nhóm quỹ ngoại liên quan Dragon Capital đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VPBank lên 5,12% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn của nhà băng.

'Vốn điều lệ VPBank sẽ đạt tối thiểu 75.000 tỷ vào năm 2022'

Đây là chia sẻ của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank khi nói về chỉ tiêu vốn chủ sở hữu của ngân hàng và kế hoạch tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu này trong năm 2022.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm