Chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết trong hoạt động của ngành ngân hàng, vốn điều lệ không phải chỉ tiêu quá quan trọng mà chỉ tiêu cần chú ý nhất là vốn chủ sở.
Hiện nay, hầu hết chỉ tiêu đánh giá của các quy định, quy chuẩn của cơ quan quản lý trong nước và các tổ chức nước ngoài đều dựa trên vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của VPBank vào khoảng 52.700 tỷ đồng. Theo ông Dũng, dựa vào một số nguồn thu trong năm nay, vốn chủ sở hữu đến cuối năm của VPBank có thể đạt trên 90.000 tỷ đồng.
Các nguồn thu này bao gồm khoản phí có thể thu từ việc gia hạn hợp đồng bảo hiểm với đối tác vào tháng 6 năm nay. Bên cạnh đó là số thu từ thương vụ bán vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản) và nguồn thu thứ 3 là lợi nhuận năm nay để lại (dự kiến đạt hơn 16.600 tỷ).
"Tuy nhiên, hiện nay HĐQT vẫn đang đặt áp lực lên ban điều hành để phấn đấu vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra và đóng góp vào vốn chủ sở hữu ngân hàng", ông Dũng nói.
Ông Ngô Chí Dũng cho biết nếu hoàn thành các kế hoạch kinh doanh năm nay, vốn chủ sở hữu đến cuối năm của VPBank có thể đạt trên 90.000 tỷ đồng. Ảnh: VPB. |
Theo vị chủ tịch ngân hàng với nguồn vốn chủ sở hữu xấp xỉ 4 tỷ USD vào cuối năm nay, VPBank có thể tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu này trong năm tiếp theo (2022).
Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể sẽ phải trình phương án lên cơ quan quản lý với đầy đủ thủ tục, và quan trọng nhất theo ông Dũng là "phải có tiền thật trong tay". Vì vậy, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết VPBank chưa thể chia cổ tức cổ phiếu từ nguồn vốn chủ trong năm nay mà phải đến cuối năm khi hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.
Đáng chú ý, nếu các kế hoạch kinh doanh theo đúng lộ trình ban lãnh đạo đề ra, ông Dũng cho biết ngân hàng có thể tiến hành nâng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu trong năm 2022 lên tối thiểu 75.000-80.000 tỷ đồng. Thậm chí, đây mới chỉ là mức vốn tối thiểu nếu hoạt động kinh doanh của VPBank đạt kế hoạch.
Với mức vốn điều lệ đến cuối năm 2020 khoảng 24.547 tỷ đồng, kế hoạch tăng vốn này được thực hiện, tương đương với việc ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần vốn điều lệ và trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VPBANK | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 1609 | 3096 | 4929 | 8130 | 9198 | 10324 | 13019 | 16654 |
Đối với hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ VPB, Chủ tịch VPBank cho biết hiện giá thị trường của lô cổ phiếu này vào khoảng 3.500 tỷ đồng, nếu trừ đi giá vốn, ngân hàng sẽ còn khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận trên sổ sách.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Và nếu đạt được thỏa thuận, VPBank sẽ dùng phần cổ phiếu quỹ này cùng với số phát hành thêm để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Khi đó giá có thể cao hơn hiện nay. Phần thặng dư vốn chưa dùng đến hiện nay sẽ dùng vào sau đó và bổ sung một phần để tăng vốn chủ sở hữu ngân hàng", ông Dũng chia sẻ thêm.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank vào khoảng 20% và ngân hàng đã khóa room để chờ phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng cho biết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank vẫn đang giảm xuống do một số quỹ đầu tư đang đến giai đoạn cơ cấu danh mục và đạt mục tiêu lợi nhuận nên bán ra.
"Ban lãnh đạo vẫn có mục tiêu tận dụng tối đa sử dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hiện ngân hàng đã đàm phán với các đối tác nhưng chủ trương là ưu tiên cổ đông tham gia với vai trò chiến lược. Nếu được, có thể cuối năm nay sẽ phát hành cho cổ đông ngoại và huy động thêm vốn chủ sở hữu cho VPBank", ông Dũng nhấn mạnh.