Tiếp tục phiên chất vấn với Bộ trưởng Tài chính sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, Việt Nam đang vay của Trung Quốc không nhiều. "Trên thị trường chứng khoán, lượng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% quy mô thị trường và tập trung tại hai doanh nghiệp niêm yết", Bộ trưởng Dũng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, đây đều là các nguồn vốn đầu tư dài hạn nên hầu như không có biến động nào trong thời gian xảy ra căng thẳng trên biển Đông. “Đây là các nhà đầu tư dài hạn nên không lo ảnh hưởng lớn vì tình hình trước mắt. Còn các nhà đầu tư khác thì chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ, không đáng kể".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính. |
Về nghĩa vụ trả nợ công nói chung, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục khẳng định sẽ có các phương án để giải quyết, kể cả trong trường hợp có những diễn biến căng thẳng ở vùng biển của nước ta như hiện nay.
Trong đó, bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng nguồn thu ngân sách, tái cơ cấu nợ công (hoán đổi hoặc vay thêm các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp hơn), thực hiện tiết kiệm chi tiêu công, nhất là chi thường xuyên.
Phát biển tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng đinh, Việt Nam hợpp tác làm ăn với Trung Quốc theo đúng pháp luật, "Nếu thua thì cả hai bên cùng thua, còn vay mượn của ta với Trung Quốc không lớn chưa đến mức phụ thuộc gì”.Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tái cơ cấu lại nguồn vay, chuyển từ vay ngắn hạn sang vay dài hạn để tạo tiềm lực phát triển của đất nước, nuôi khả năng trả nợ, lấy thu ngân sách để trả nợ còn bội chi chủ yếu để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó ngành tài chính phối hợp với các địa phương, ngành tư pháp ngăn chặn tốt việc trốn thuế, tập trung thu đúng, thu đủ thuế.