Một trong các nỗi lo lớn nhất là làm sao giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế từ Trung Quốc. Không ít ý kiến cho rằng lúc này chính là thời điểm cần phải tính toán bài bản để từng bước giảm lệ thuộc vào người “láng giềng xấu xa rộng vai nhưng hẹp bụng”, như cách nói của đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn.
Trong lúc có nhiều người lo ngại về những hành động trả đũa ngược của Trung Quốc với Việt Nam khi tranh chấp biển Đông leo thang, như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, thì cũng có không ít ý kiến khác cho rằng, Trung Quốc không dễ gì làm điều đó, ít nhất là từ góc độ chính thức và ở quy mô lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, rất cần tìm những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc “bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ” như hiện nay. |
Ông Lộc phân tích, hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất Trung Quốc. Việt Nam, cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam.
“Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào”, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Còn về phía Việt Nam, theo đại biểu Lộc, với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu, mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Bài phát biểu của ông Lộc cũng cho biết, hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đã phải nhập tới 50 - 60% vật tư nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung tín dụng và vật tư nguyên liệu, hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ của Việt Nam.
Vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc rất rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này, bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao, và chúng ta chưa có được một nền công nghiệp chế biến phát triển, đại biểu Lộc nói.
Bởi vây, theo vị đại biểu này, yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế là phải đầu tư đúng mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các khu cụm công nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, có giá trị gia tăng lớn của thế giới.
Rất cần tìm những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc “bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ” như hiện nay, nhưng cũng cần thừa nhận một thực tế là chúng ta đang kinh doanh trong một nền kinh tế thương mại toàn cầu nơi mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đúng với cả Việt Nam và Trung Quốc, Chủ tịch VCCI tỏ rõ quan điểm.
Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta. Nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng: Mọi động thái bài xích, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Lộc kết thúc bài phát biểu dài 7 phút.
Được mời đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, trong đó có giao thương với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhưng Việt Nam luôn luôn nhập siêu trong quan hệ thương mại với đối tác này.
Bộ trưởng cho biết, từ trước khi Trung Quốc đặt giàn khoan, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm mọi biện pháp cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, nhưng do quy mô tương đối lớn nên cần có thời gian.
Hiện có nhiều đối tác lớn quan tâm đến Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ cấu thị trường để Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường khác, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Hoàng cũng nhắc lại phát biểu của đại biểu Vũ Tiến Lộc, rằng quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do cần có các phương án đàm phán để đạt được các cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt thận trọng và cứng rắn trong các vấn đề có thể có ảnh hưởng lớn tới người lao động, nông dân và sản xuất nông nghiệp.
Trung ương đã chỉ đạo phải bảo hộ mặt hàng nông nghiệp một cách hợp lý, đàm phán phải đạt được cam kết không can thiệp vào thể chế chính trị và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển, có lộ trình phù hợp để từng bước thích ứng và đạt được lợi ích căn bản, Bộ trưởng nhấn mạnh.