Đồ Trung Quốc từng làm mưa, làm gió
Một thực tế là nhiều năm nay, các loại đồ chơi trẻ em Trung Quốc vẫn được bày bán nhan nhản, trong khi đồ chơi trẻ em “Made in Việt Nam” lại khá khiêm tốn.
Đồ chơi "Made in Việt Nam" nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường. |
Tại Hà Nội, cả dãy phố chuyên bán đồ chơi cho trẻ em từ Hàng Lược đến, Lương Văn Can, Hàng Quạt.. đều tràn ngập đồ chơi Trung Quốc. Chỉ có một cửa hàng ở Hàng Quạt bán đồ chơi Mỹ, Nhật. Còn hàng Việt Nam thì gần như vắng bóng.
Một chủ hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm) cho hay, các loại đồ chơi Trung Quốc mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ hơn chục lần so với hàng từ Mỹ. Vì vậy, các chủ hàng muốn có lãi thì buộc phải nhập hàng từ Trung Quốc về.
Một dẫn chứng đơn giản nhất là một con vịt cao su của Mỹ có giá tới 200.000 đồng, trong khi hàng Trung Quốc chỉ 20.000 đồng/con. Tức là giá hàng của Mỹ đắt gấp 10 lần hàng Trung Quốc.
Còn các loại đồ chơi Việt Nam, một trong những nguyên nhân kém “hút khách” nhất là do kiểu dáng đơn điệu, mẫu mã nghèo nàn, giá cả lại khá cao. Chính vì thế, suốt một thời gian dài, các loại đồ chơi này gần như không có đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, một nguyên nhân không thể chối cãi là việc buôn đồ chơi Trung Quốc mang lại một nguồn lợi lớn cho các chủ cửa hàng. Mức giá bán cho người tiêu dùng đã rẻ, nhưng đồ chơi Trung Quốc mua ở nguồn còn rẻ hơn gấp nhiều lần.
Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, giá mỗi món đồ chơi bán 60.000 - 70.000 đồng, như túi 12 con vịt thả chậu tắm bán ở Hà Nội thì ở cửa khẩu giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng. Chỉ hơn 100 km từ Lạng Sơn về Hà Nội, giá cả đã có thể tăng gấp 2 – 3 lần, thậm chí 4 lần một món hàng.
Thời cơ cho hàng Việt
Tuy nhiên, có một thực tế đáng mừng là hiện nay ngày càng nhiều phụ huynh đã có chuyển biến nhận thức rất tích cực trong việc chọn đồ chơi cho con. Thay vì mua các loại đồ chơi Trung Quốc như trước đây, nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm đến các sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Theo ghi nhận, càng gần ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, thị trường đồ chơi càng sôi động hơn và đồ chơi nội, nhất là những dòng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ an toàn được phụ huynh tin tưởng chọn mua nhiều.
Sau hàng loạt những bê bối liên quan đến các chất độc gây ngứa, viêm nhiễm da, thậm chí có thể gây ung thư, điển hình như chất độc phthalate - chất được dùng làm tăng độ dẻo, bền của đồ nhựa có khả năng gây biến đổi hoóc-môn, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật ở cơ quan sinh dục trẻ em..., đồ chơi Trung Quốc đã bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.
Ngoài ra, đa số các loại đồ chơi Trung Quốc thường mang nhiều tính bạo lực như súng ống đạn dược, dao kiếm, hoặc đồ chơi mang tính kinh dị như các loại mặt nạ ma quái.
Chính vì vậy, thời gian gần đây các loại đồ chơi Trung Quốc đã bị các bậc phụ huynh quay lưng.
Trong khi đó, các loại đồ chơi “chơi mà học, học mà chơi” của Việt Nam như chơi xếp gỗ, các loại sách trí tuệ, có chứng nhận hợp quy (CR) được nhiều phụ huynh lựa chọn.
Chị Nhật Anh – một phụ huynh cho biết: Chị thường chọn cho con đồ chơi làm từ gỗ chế tạo trong nước. Loại đồ chơi này có nhiều loại, từ xếp hình, domino, nhận biết chữ, số và con vật phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi đến lắp ghép, mô hình, đánh vần cho những trẻ lớn hơn.
Ưu điểm của loại đồ chơi này là màu sắc bắt mắt, giá phù hợp, từ vài chục nghìn đồng đến 200.000 đồng.
Không chỉ chọn đồ xếp gỗ hay sách thiếu nhi, nhiều ông bố bà mẹ hướng đến các loại đồ chơi “Made in Vietnam” có chứng nhận cho an toàn.
Anh Nam ở Kim Mã cho biết, nhà anh toàn mua đồ chơi xuất xứ của Việt Nam hoặc các nước châu Âu cho con “tuy có đắt hơn nhưng có chứng nhận CR an toàn cho trẻ”.
“Mình mua con quay Toop của Tosy cho con chơi, bé thích lắm. Con quay này cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận danh hiệu “Con quay tự quay lâu nhất thế giới” năm 2011, là hàng của Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, có đầy đủ chứng nhận hợp quy nên cho bé chơi mình rất yên tâm”, anh Nam chia sẻ.
Bên cạnh con quay Tosy, đĩa bay Tosy cũng là một trong những sản phẩm khá hút khách. Dòng sản phẩm này được làm từ chất liệu nhựa theo tiêu chuẩn châu Âu nên rất an toàn, lại có tính tương tác cao, trẻ có thể luyện tay, luyện mắt, chơi cả ở trong nhà lẫn ngoài trời rất thú vị, mức giá lại không quá đắt nên được các bậc phụ huynh mua nhiều.
Năm nay, hãng Tosy đã tung ra thị trường thêm 2 loại đĩa bay mới là đĩa bay màu vàng cam và xanh cốm, bên cạnh 2 màu truyền thống là xanh và đỏ. Giá thành của các loại đồ chơi này khá hợp lý. Đĩa bay Tosy có giá khoảng 129.000 đồng/sản phẩm, còn con quay chỉ 39.000 đồng/sản phẩm.
Theo chị Hà, chủ một nhà sách tại Hà Nội, hiện số lượng các loại đồ chơi “Made in Việt Nam” cửa hàng chị nhập về dịp 1/6 tăng gấp đôi so với tháng trước và lượng tiêu thụ cũng tăng gấp đôi so với bình thường.
“Đa số các khách hàng hiện nay đều thích sử dụng các sản phẩm hàng Việt Nam, vì vậy, các loại đồ chơi Trung Quốc rất ít người chọn mua. Chủ yếu là mua các loại đồ chơi sản xuất từ trong nước”, chủ Hà cho hay.
Cần một “nhạc trưởng”
Dù có ưu thế về mặt thị trường, nói cách khác là có được lòng tin của người tiêu dùng, nhưng để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, đồ chơi Việt Nam cần phải có “nhạc trưởng”.
Hiện thị trường đồ chơi Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi với các sản phẩm đồ chơi quen thuộc và đơn điệu như: ghế ngồi lắc lư, bàn nhạc, xếp hình, câu cá, xếp chữ...
Ông Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Nhựa Chợ Lớn – một doanh nghiệp đã làm đồ chơi cho trẻ em từ sơ sinh đến 10 tuổi gần 20 năm nay cho biết: “Để giành được một góc thị phần đồ chơi, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn.
Một mặt phải đối đầu với “ông lớn” Trung Quốc, mặt khác vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở trong nước. Họ không cần gầy dựng thương hiệu, đầu tư mẫu mã mà chỉ “chớp” lấy những mẫu bán chạy của các đơn vị có thương hiệu rồi làm nhái, làm ẩu, bán với giá rẻ”.
Hiện Nhựa Chợ Lớn đã đưa ra thị trường khoảng 800 mẫu mã đồ chơi trẻ em.
Còn theo ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành, một nguyên nhân khiến giá đồ chơi gỗ tại Việt Nam khá cao là vì nguyên vật liệu đầu vào có giá rất cao (gỗ, nước sơn), các mẫu mã được thiết kế phải đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn, phù hợp với từng độ tuổi.
Một nhược điểm nữa cũng dễ thấy là các doanh nghiệp trong nước lại ít đầu tư về khâu thiết kế, công nghệ sản xuất để thay đổi mẫu mã, nâng cao tính năng hoạt động với sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em có tiếng ở Hà Nội, thực tế xu hướng mua đồ chơi cho trẻ em của các bậc phụ huynh đã có nhiều thay đổi.
Họ không đánh giá và chọn mua sản phẩm theo mẫu mã, mà tìm những sản phẩm an toàn, có tính giáo dục và giải trí cao. Chính vì vậy các loại đồ chơi sản xuất bằng gỗ từ các doanh nghiệp trong nước sức mua thời gian gần đây rất tốt.
“Thị trường đồ chơi trẻ em hiện tại cạnh tranh bằng mẫu mã không phải là ưu tiên hàng đầu nữa. Chính vì vậy, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phát triển là rất lớn”, vị đại diện doanh nghiệp này nói.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là xu hướng ở các khu vực thành phố khi các bậc cha mẹ có nhiều thông tin và tài chính tốt. Còn ở khu vực nông thôn nhiều người vẫn còn chưa có đủ thông tin về vấn đề này. Thêm nữa, đồ chơi Trung Quốc giá rẻ vẫn hấp dẫn nhiều người, nhất là so với thu nhập trung bình ở nông thôn.
Như vậy, dù thời cơ đã nằm trong tay các doanh nghiệp đồ chơi trẻ em, nhưng để “thống lĩnh” được thị trường trong nước, các doanh nghiệp vẫn cần phải có một “nhạc trưởng” để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và đưa thị trường đi đúng hướng, đánh đúng tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh thẳng thắn cho rằng sở dĩ ngành đồ chơi Việt Nam èo uột là do các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi không được sự hỗ trợ từ Nhà nước.
“Tôi đã có 18 năm sống cùng với ngành đồ chơi. Năm 1994 tôi có một nhà máy sản xuất đồ chơi cùng đội ngũ lao động khá lớn. Nhưng năm 2009 tôi quyết định đóng cửa nhà máy vì càng làm càng lỗ. Chỉ cần sản phẩm ứ đọng vài tháng, không bán được là doanh nghiệp sẽ khó khăn ngay. Vì vậy, tôi phải chuyển sang nhập khẩu đồ chơi từ các nước về”, ông Minh nói. Mà đã nhập về thì tất giá không thể rẻ.
Cũng theo ông Minh, hiện Việt Nam chưa hình thành một ngành công nghiệp đồ chơi, càng không có sự hỗ trợ để ngành đồ chơi phát triển. Ví dụ như ở Trung Quốc, Đan Mạch… sau lưng đó là cả Nhà nước hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất đai, lãi suất, hỗ trợ xuất nhập khẩu…
"Vì vậy, muốn ngành đồ chơi phát triển phải có “nhạc trưởng” hay nói cách khác là “người cầm trịch”, ông Minh nói.