Sau thành công của Đại hội Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ X, được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 6 vừa qua, đời sống sáng tác của người viết trẻ được quan tâm nhiều hơn. Mới đây, tại Đại học Văn hóa Hà Nội có tổ chức hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung”.
Hội thảo này có sự tham gia của nhiều nhà phê bình có tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu- phê bình văn học như: PGS.TS Thái Phan Vàng Anh, PGS.TS Ngô Văn Giá, TS Hà Thanh Vân, TS Nguyễn Thanh Tâm, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa và các nhà văn nhà thơ tên tuổi như: Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt…
Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của một số nhà văn, nhà thơ trẻ, những người đã tạo được dấu ấn riêng trên con đường sáng tác như: Đinh Phương, Du Nguyên, Nhật Phi, Đức Anh, Ngô Bá Hòa…
Phan Cuồng thành công khi sáng tác truyện với bối cảnh lịch sử. Ảnh: N.N. |
Bất ngờ khi các cây bút trẻ viết về lịch sử
Hiện nay, sáng tác của các cây bút trẻ đa dạng về đề tài. Không chỉ đưa nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại vào trang viết, họ còn khai thác các thể loại mà thế hệ đi trước ít quan tâm như: văn học kỳ ảo, khoa học viễn tưởng, fantasy. Sự đa dạng về đề tài khiến cho đời sống văn học trẻ hiện nay khá sôi động.
Bên cạnh đó, có nhiều nhà văn trẻ chọn viết về lịch sử và đã gặt hái được những thành công nhất định như: Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Cuồng, Phạm Thúy Quỳnh, Trần Ngọc Tú, Nguyệt Chu… Điều này khiến cho các nhà phê bình cảm thấy bất ngờ và vui mừng.
Trước kia, số nhà văn chọn tiếp cận đề tài lịch sử khá ít ỏi, đa phần đều là các nhà văn đã có tên tuổi trên văn đàn. Giai đoạn lịch sử mà họ đưa vào trong trang viết phần lớn xoay quanh hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đó là sự kiện lịch sử gần gũi với người đọc và chính người viết đã trải qua. Nhưng các nhà văn trẻ hiện nay lại tiếp cận lịch sử với một tâm thế khác.
Nhiều cây bút trẻ chọn khai thác những câu chuyện lịch sử từ thời phong kiến, cách chúng ta hàng trăm năm. Trong sáng tác của họ, các yếu tố chính sử, huyền sử và dã sử đan xen lẫn nhau tạo nên sự hấp dẫn, tò mò cho người đọc. Họ đi sâu vào khai thác những lát cắt khác nhau của lịch sử, đó có thể là một nhân vật, một sự kiện mà các nhà văn đi trước đề cập tới.
Trước đây, có ý kiến cho rằng phải có một vốn sống và trải nghiệm nhất định mới có thể viết về lịch sử. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm không đồng ý với ý kiến này. Theo anh, nếu nói tới một sự kiện, một nhân vật, hay một biến cố xảy ra từ hàng trăm năm trước thì không ai dám chắc một ông lão 80 tuổi sẽ hiểu biết hơn một cậu sinh viên 20 tuổi.
Quá khứ dài đến nỗi trăm năm chỉ là một mảnh khiêm tốn trong dòng chảy của thời gian. Bởi thế, trước những đề tài lịch sử xa chúng ta hàng trăm năm, các nhà văn thuộc những thế hệ khác nhau hoàn toàn bình đẳng.
Trao cho các tác giả trẻ những điều kiện về không gian sáng tạo, sự bình đẳng, dân chủ đồng thời đặt vào họ niềm tin chính là một hướng đi đầy hy vọng trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Có một số ý kiến cho rằng so với những gì lớp nhà văn đi trước đã làm được, thành tựu của các nhà văn trẻ hiện nay còn khá khiêm tốn. TS Hà Thanh Vân nói: “Chúng ta đừng quá khắt khe với người viết trẻ, hãy cho họ thời gian để chứng minh khả năng của mình. Vào thời điểm những tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu mới xuất hiện, họ cũng không được đánh giá cao như hiện nay”.
Văn học tuổi 20 là sân chơi chất lượng cho các cây bút trẻ. Ảnh: Hà Nội mới. |
Người viết trẻ liệu có xa rời đời sống?
Gần đây, có một số tranh luận văn chương về việc vốn sống có quan trọng trong viết lách hay không? Người viết trẻ “non” về vốn sống, không có khả năng đi sâu vào đời sống nên phải lựa chọn các thể loại, đề tài như lịch sử, trinh thám, kỳ ảo khoa học viễn tưởng để khỏa lấp khoảng trống về trải nghiệm.
Theo nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhận định này “chưa đúng” và “chưa trúng”. Bởi đọc sách cũng là một cách để tìm hiểu về đời sống. Nhà văn không phải nhà báo, nhà báo cần nhập cuộc, theo sát đời sống để đưa tin, còn nhà văn cần dấn thân, nhập cuộc vào văn chương. Họ viết như thế nào để người đọc cảm nhận được cái hay của tác phẩm, rung động trước câu chuyện mà họ kể mới quan trọng. Nếu sự thấu cảm của nhà văn đủ tinh nhạy, thì họ không cần đến những chuyến “thực tế sáng tác” cưỡi ngựa xem hoa, hời hợt và vô bổ.
Giữa tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết kỳ ảo… không thể nói thể loại nào khó viết hơn. Thành công của người viết, với thể loại mà họ theo đuổi cần phải đo ở đường dài, xem xét sự trường sức, trường vốn của tác giả đó.
Tương tự, vốn sống thực tế, với những kiến thức thu được qua sách vở và trí tưởng tượng đều là những “tài sản” của nhà văn. Chúng có giá trị ngang bằng nhau, không thể nói cái này “đắt giá” hơn cái kia. Dù là vốn sống thực tế hay kiến thức sách vở, nhà văn cũng phải trải qua một quá trình tích lũy, chắt lọc và đưa chúng vào trang viết.
Mỗi người viết sẽ tận dụng và phát huy thế mạnh của mình, để lựa chọn thể loại sao cho “thuận tay”. Từ đó, họ sáng tạo với tâm thế thoải mái và tự tin vào những gì mình viết. Đó là khởi đầu của một tác phẩm chất lượng.