Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vốn hóa HoSE ‘bốc hơi’ thêm 95.000 tỷ đồng tuần qua

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giải ngân mạnh nhưng vẫn không "cứu" nổi chỉ số khi VN-Index mất thêm 2,35% giá trị trong tuần qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư về nổi lo dịch bệnh lan rộng khiến giao dịch trở nên ảm đạm. VN-Index giảm thêm 2,35%, lui về mức 1.269 điểm. Giá trị vốn hóa, theo đó, cũng mất" hơn 95.000 tỷ đồng.

Thanh khoản tiếp tục ghi nhận mức thấp so với tuần trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ đạt 665 triệu cổ phiếu/phiên, tương đương với giá trị khớp lệnh ở mức 19.220 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 8%.

Cổ phiếu ngân hàng giảm sâu

Hầu như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều sụt giảm so với tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận có đến 24 mã giảm giá, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhóm trụ cột ngân hàng giảm sâu ở hầu hết cổ phiếu lớn như VIB (-10,4%), VPB (-9,3%), LPB (-7,6%), CTG (-6,2%), SHB (-6%), VCB (-5,4%), BIDV (-5,4%), MBB (-4,6%)… Ngược lại, cổ phiếu của STB tăng nhẹ 0,8% hay OCB tăng 3,1% và VAB đột biến trong tuần qua.

Nhóm này bị bán mạnh trong bối cảnh thị trường chung có diễn biến tiêu cực, bên cạnh đó còn chịu tác động từ việc lãi suất giảm gần đây.

Từ đầu tháng 7, cổ phiếu ngân hàng đã trải qua 3 tuần liên tiếp đi xuống, nhiều mã giảm 14-20%. Vốn hóa thị trường của nhóm này cũng bị “thổi bay” gần 11,6 tỷ USD, tương đương mức giảm 14% tính từ đầu tháng.

Du bao chung khoan,  Dien bien VN-index,  Ca nhan giai ngan mua chung khoan, anh 1

VN-Index mất thêm 2,35% giá trị trong tuần qua. Đồ thị: TradingView.

Một số cái tên gây chú ý khác như MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động giảm 3,8% trong tuần qua sau ồn ào về việc nâng giá bán ở chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh. Theo đó, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài giảm hơn 400 tỷ đồng sau một tuần, xuống còn 10.255 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng mất 3,8% trong tuần qua dù chỉ có 3 phiên giao dịch. Lý do là cổ phiếu này đã bị tạm dừng giao dịch trên hệ thống UPCoM kể từ ngày 22/7 đến hết ngày 26/7 do không công bố thông tin về họp cổ đông thường niên năm 2021.

Ngoài ra, tân binh Khải Hoàn Land (KHG) cũng chào sàn ấn tượng tuần qua khi tăng hết biên độ 30% trong ngày lên sàn và tăng tiếp trong 2 phiên sau đó. Cổ phiếu chịu áp lực bán trong 2 phiên còn lại trong tuần ở mức giá sàn, nhưng tính chung vẫn tăng 27% sau một tuần. Tương tự Ngân hàng Việt Á (VAB) chào sàn UPCoM vào ngày 20/7 và ghi nhận mức tăng gần 49%.

Cá nhân trong nước mua mạnh

Xét về cơ cấu nhà đầu tư, giao dịch của khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán là điểm trừ của thị trường. Theo dữ liệu của FiinPro, khối tự doanh mua vào 37 triệu cổ phiếu trên HoSE với trị giá 1.426 tỷ đồng, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu với trị giá 2.052 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng ở mức 626 tỷ đồng, giảm gần 9% so với tuần trước đó.

Đối với giao dịch của khối ngoại, dòng vốn này chấm dứt chuỗi 3 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE bằng việc bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng, trong đó bán ròng qua kênh khớp lệnh 622 tỷ đồng.

Bất động sản là nhóm nước ngoài bán mạnh nhất tuần qua, bên cạnh đó còn có nhóm ngân hàng - dịch vụ tài chính. Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là VIC của Vingroup với giá trị gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu thông qua thỏa thuận. Cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền xếp tiếp theo với giá trị bán ròng 441 tỷ đồng.

Ngược lại, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước là lực đỡ chính cho thị trường. Nhóm này chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp trên sàn HoSE khi đã mua ròng trở lại 3.360 tỷ đồng trong tuần qua, trong đó, mua ròng thông qua khớp lệnh hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, lực mua này vẫn không đủ sức "cứu" chỉ số giảm mạnh trong tuần qua.

Động thái của cá nhân trong nước rất trái ngược với khối ngoại. Nhóm này lại mua ròng mạnh nhất mã VIC với giá trị gần 2.151 tỷ đồng, tiếp đến là KDH với 454 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng như STB, CTG hay MSB đều có giá trị mua ròng trên 200 tỷ đồng.

Chứng khoán tìm điểm cân bằng

Dự báo cho tuần 25-30/7, nhiều đơn vị phân tích tỏ ra khá thận trọng và có phần bi quan. Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng còn khá sớm để khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc. Tuy nhiên, thanh khoản đang có chiều hướng giảm dần và lực cầu ở vùng giá thấp đang có chiều hướng quay trở lại nên có thể thị trường sẽ sớm hình thành vùng cân bằng trước khi thiết lập đà tăng mới.

Theo đánh giá của BSC, VN-Index trong tuần này nhiều khả năng sẽ dao động trong khu vực 1.250 - 1.320 điểm. Đơn vị này cũng lưu ý nhà đầu tư cần theo dõi thêm diễn biến của tình hình dịch Covid-19 thời gian tới.

Du bao chung khoan,  Dien bien VN-index,  Ca nhan giai ngan mua chung khoan, anh 2

Chứng khoán được dự báo giằng co để tìm điểm cân bằng. Ảnh: Hoàng Hà.

Với thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách từ ngày 24/7, Chứng khoán Agiseco nhận định xu hướng vận động của thị trường trong ngắn hạn có thể lặp lại kịch bản tuần vừa rồi. Theo đó, áp lực giảm điểm sẽ xuất hiện vào phiên đầu tuần tới do ảnh hưởng tâm lý từ việc giãn cách, nhưng nhiều khả năng các nhịp hồi kỹ thuật cũng sẽ xuất hiện ngay sau đó. Giai đoạn hiện tại thị trường đang dò đáy và mốc 1.250 là ngưỡng hỗ trợ gần nhất.

Tương tự, Chứng khoán Asean dự báo VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng tới để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.250 - 1.260 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.230 – 1.240 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn.

Chứng khoán Rồng Việt nhận định thị trường vẫn chưa thoát khỏi tâm lý suy yếu sau nhịp giảm mạnh vừa qua. Thanh khoản cải thiện cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng nhưng chưa quá lớn và cần chờ thêm tín hiệu thăm dò cung - cầu tại vùng quanh 1.270 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quan sát diễn biến giao dịch của thị trường và giữ tài khoản ở mức cân bằng.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ đi ngang với biên độ hẹp và thanh khoản thấp trong tuần này. Xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức trung tính và thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy,

Theo đó Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp nhằm thăm dò cơ hội ngắn hạn.

Cổ phiếu công ty vận hành 22 sân bay Việt Nam bị dừng giao dịch

ACV cùng với 56 doanh nghiệp khác vẫn chưa thông tin về cuộc họp cổ đông thường niên, do đó cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch đến ngày 26/7.

Cổ phiếu tăng 70% sau 3 ngày, cổ đông lớn VietABank muốn rút vốn

Không lâu sau khi cổ phiếu VAB của VietABank đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, cổ đông lớn thứ 2 tại ngân hàng đã đăng ký thoái toàn bộ vốn nắm giữ.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm