Hệ thống phòng không Israel đánh chặn tên lửa từ Hamas hồi năm 2021. Ảnh: New York Times. |
Sau vụ nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay giữa thủ đô Tehran của Iran, Israel đang phải chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công phục thù tiềm tàng từ Iran và các đồng minh. Đây có thể sẽ là thách thức lớn nhất mà hệ thống phòng không Israel từng phải đối mặt.
Trong nhiều năm qua, Vòm Sắt - vốn do Mỹ và Israel cùng phát triển - là hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn hàng đầu thế giới. Nhờ Vòm Sắt, mối đe dọa từ các đối thủ của Israel đối với các trung tâm dân cư sẽ giảm đi đáng kể.
Dù vậy, giờ đây năng lực của Iran và Hezbollah đã tăng lên đáng kể. Iran sở hữu các loại máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo nằm ngoài năng lực đánh chặn của Vòm Sắt. Trong khi đó, Hezbollah cũng có kho chứa hàng chục nghìn khẩu súng cối và tên lửa có khả năng khiến hệ thống phòng thủ của Israel quá tải.
Để phản ứng, Israel và Mỹ đang xây dựng hệ thống phòng không toàn diện hơn với sự tham gia của cả không quân và radar từ các nước Arab - từng là kẻ thù không đội trời chung của Israel.
“Đây là hệ thống được đồng bộ hóa, hoạt động như một chiếc đồng hồ”, ông Yehoshua Kalisky, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), nói với Wall Street Journal, nhận định Israel đã chuẩn bị tốt cho một cuộc tấn công ở quy mô lớn.
Hệ thống toàn diện
Phần lớn trách nhiệm điều phối thuộc về Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (Centcom) - lực lượng phụ trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông. Kể từ năm 2021, địa bàn Israel được chuyển từ Bộ tư lệnh châu Âu về Centcom, giúp Israel dễ dàng phối hợp với các nước Arab hơn dù không có quan hệ ngoại giao.
Hệ thống này được thử nghiệm lần đầu tiên hồi tháng 4. Với sự giúp đỡ của các đối tác như Mỹ, Anh và Pháp, Israel đã bắn hạ hơn 300 lượt vũ khí từ UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được Iran phóng ra.
Theo Israel, tỷ lệ đánh chặn thành công lên tới 99%. Chỉ một người bị thương nặng sau vụ tấn công. Trong khi đó, Iran tuyên bố đã phá hủy các mục tiêu quân sự chủ chốt của quân đội Israel và thể hiện khả năng của Tehran trong việc vượt qua hệ thống phòng thủ được Israel sử dụng. Đây là động thái trả đũa sau khi Israel tấn công tòa nhà trong khu vực đại sứ quán Iran tại Syria trước đó.
Sau các diễn biến gần đây, các quan chức Mỹ lo ngại Iran sẽ hiệp đồng tấn công với Hezbollah và các đồng minh khác trong khu vực - như Houthis và các nhóm dân quân Iraq - nhằm khiến hệ thống phòng thủ của Israel bị quá tải.
“Iran, Hezbollah và Yemen sẽ phản ứng”, nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố hôm 6/8.
Thách thức đối với Israel sẽ là nhân diện các loại vũ khí khác nhau một cách nhanh chóng và quyết định xem đâu là mục tiêu cần bị bắn hạ. Theo các nhà phân tích, hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel được thiết kế để phục vụ mục đích này.
Hệ thống bao gồm nhiều cấu phần để đối phó với các mối đe dọa khác nhau - từ tên lửa tầm ngắn tới tên lửa đạn đạo.
Một cấu phần của hệ thống Vòm Sắt tại miền Nam Israel, tháng 5/2023. Ảnh: Flash90/Times of Israel. |
David’s Sling (tạm dịch: Ná cao su của David) - một trong những hệ thống mới nhất, do các công ty Israel và Mỹ hợp tác phát triển - nhằm vào các loại tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa, cũng như UAV và máy bay chiến đấu. Trong đó, tên lửa Arrow 3 đóng vai trò trung tâm và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Arrow 2 - tiền thân của Arrow 3 - vẫn được sử dụng để phối hợp đánh chặn tên lửa tầm trung và xa.
Arrow 3 lần đầu được sử dụng vào tháng 11/2023 và đánh chặn thành công một tên lửa của Houthi. Trong khi đó, hệ thống David’s Sling lần đầu đánh hạ một tên lửa từ dải Gaza tháng 5/2023, quân đội Israel cho biết.
Vẫn còn điểm yếu
Điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Israel là năng lực chống UAV - đặc biệt khi phải đối mặt với số lượng lớn. Nguyên nhân nằm ở khả năng bay thấp, tránh radar của UAV.
Hồi tháng 7, một UAV của Houthi từ Yemen vượt qua hệ thống phòng thủ của Israel và đánh trúng Tel Aviv, khiến một dân thường thiệt mạng. Hezbollah cũng đã thể hiện khả năng điều UAV trinh sát nhằm vào các thành phố phía Bắc Israel, bao gồm các địa điểm nhạy cảm.
Để đối phó, Israel đang phát triển hệ thống mới có tên Iron Beam (tạm dịch: Tia Sắt). Hệ thống này - dự kiến có thể đưa vào hoạt động từ năm 2025 - sẽ sử dụng laser để bắn hạ mục tiêu. Theo các chuyên gia, đây là cách thức hiệu quả để đối phó với UAV.
Dù vậy, chi phí phòng thủ không hề rẻ: Ông Kalisky ước tính số tiền mà Israel phải bỏ ra để đánh chặn tên lửa và UAV Iran hồi tháng 4 lên tới hơn 550 triệu USD.
Sau vụ ông Haniyeh bị ám sát, hệ thống phòng không của Israel đã được đặt vào trạng thái báo động cao với mong muốn lặp lại thành công hồi tháng 4.
Một trong những nguyên nhân là nước này có nhiều giờ chuẩn bị nhờ thông tin tình báo chính xác. Theo ông Tal Inbar, chuyên gia tại tổ chức Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa (Mỹ), cả Iran và Israel đều đã rút ra bài học từ vụ việc.
“Nếu họ (Iran - PV) muốn gây ra thiệt hại tối đa, họ sẽ không muốn thời gian cảnh báo sớm quá dài”, ông Inbar nói.
Nguyên nhân khác là sự giúp đỡ của các đối tác dành cho Israel. “Chúng tôi biết rằng hệ thống của mình có hiệu quả và hoạt động tốt bên cạnh hệ thống của Mỹ. Mỹ và các đồng minh khác đã giúp bảo vệ Israel”, ông Uzi Rubin, cựu lãnh đạo lực lượng phòng thủ tên lửa Israel, tuyên bố.
Hồi đầu tuần này, Tư lệnh Centcom Erik Kurilla đã thăm Israel và gặp gỡ các quan chức an ninh nước chủ nhà. Mỹ cũng đang vận động để ngăn kịch bản chiến tranh toàn diện nổ ra, bao gồm gây áp lực buộc các bên kiềm chế.
Theo một binh sĩ phòng không thuộc lực lượng dự bị Israel, ông chưa từng nhớ đất nước “chuẩn bị cho một cuộc chiến ở phía bắc với quy mô lớn như vậy”, Wall Street Journal cho biết.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...