'Với gói hỗ trợ, thu nhập 18 triệu có thể mua được nhà'
“Nhà nước nghĩ là người dân nếu chỉ trông vào lương thì không mua được nhà, nên mới đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để dân vay và mua”, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ.
- Ông nghĩ như thế nào về ý kiến cho rằng, rất khó mua nhà nếu cứ trông chờ vào lương, và những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng gần như không thể mua nhà?
- Nhà nước nghĩ dân chỉ trông chờ vào lương không mua được nhà nên mới đưa ra gói 30.000 tỷ để hỗ trợ cho vay vốn. Bây giờ, cần tập trung giúp những người thu nhập thấp (dưới 9 triệu đồng), chưa đủ lực để giúp toàn xã hội. Với người có thu nhập 9 triệu đồng, cả gia đình có 2 người đi làm, tổng thu nhập có thể 15-18 triệu đồng.tháng. Với mức này, thế giới đã tính toán rằng họ có thể dành ra 30% (khoảng 6 triệu đồng) để trả gốc và lãi hàng tháng, là có thể mua được nhà.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, một người thu nhập 9 triệu đồng không mua được nhà, nhưng nếu gia đình có 2 người thu nhập bình quân 15-18 triệu đồng/tháng, khả năng mua được nhà rất lớn. |
- Khi vay tiền trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, người dân vẫn phải có tài sản đảm bảo, liệu có là quy định "làm khó" người vay?
- Tài sản đảm bảo là một trong những quy định của ngân hàng khi cấp tín dụng, để đảm bảo được khả năng thu hồi vốn, nên ngoài quy định và điều kiện vay vốn, vẫn cần phải đáp ứng các quy định của ngân hàng. Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã nói rõ, tùy thân nhân và tín nhiệm, nghề nghiệp người đi vay mà ngân hàng có thể quyết định có hay không có tài sản thế chấp. Nhưng tôi cho rằng, vay mua nhà trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ cũng cần có thế chấp để ngân hàng còn thu hồi vốn. Quy định cho dùng căn hộ làm tài sản thế chấp cũng là một quy định mở rồi.
- Thời hạn 10 năm trong gói 30.000 tỷ nên được hiểu như thế nào cho linh hoạt?
- Quy định tối đa 10 năm là để phục vụ theo nhu cầu của chính người đi vay. Cũng có trường hợp chỉ muốn vay 5 năm thôi. Nhưng trường hợp nào cũng sẽ có cái lợi và bất lợi, chẳng hạn nếu vay dài thì người có nguồn lực hạn chế sẽ cảm thấy đủ khả năng, vì lãi ngân hàng thấp, số tiền phải trả định kỳ không lớn. Còn vay ngắn thì đỡ phải trả lãi dài, nhanh hoàn thành khoản vay.
Về cơ bản, thời gian vay bao nhiêu lâu là thỏa thuận của hai bên, nếu anh có thể trả được trong vòng 5 năm thì chả tội gì anh ký hợp đồng vay 10 năm. Do đó, để cho người nghèo với khả năng trả nợ chừng mực thì ngân hàng sẽ cho vay 10 năm, nếu như năng lực có thể trả sớm thì đương nhiên sẽ có lợi hơn.
- Mức lãi suất 6%/năm áp dụng với các khoản vay, nhưng ngân hàng lại được hưởng chênh lệch 1,5% lãi suất, tại sao vấn đề này không được đề cập tới sớm hơn và chia sẻ với người mua nhà?
- Lẽ ra nên hỏi phía các ngân hàng, nhưng theo quan điểm của tôi, mức chênh lệch 1,5% dành cho các ngân hàng là hợp lý. Thông thường, lãi suất vay thương mại, mức huy động trần 7%/năm mà ngân hàng cho vay 13% đã hưởng chênh lệch 6% rồi. Do đó, nếu ổn định, các ngân hàng cần phải có chênh lệch ít nhất 3% để vận hành bộ máy quản lý, thu hồi nợ. Trường hợp gói hỗ trợ này, người dân vay, chi phí quản lý rất lớn do đó mức 1,5%, theo đánh giá của tôi, là thấp so với chênh lệch thương mại.
- Vậy ông bình luận như thế nào về lo ngại sẽ có hiện tượng lợi dụng chính sách để mua đi bán lại, trong khi gói 30.000 tỷ chỉ chủ yếu hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà giá rẻ?
- Đã là nhà ở xã hội thì không có chuyện mua qua người nọ người kia, còn nhà thương mại 70m2 trở xuống giá dưới 15 triệu đồng/m2, mua bán cũng phải có hợp đồng. Nếu mua lại, phải có chuyển nhượng hợp đồng, nên tôi cho rằng sẽ không có chuyện mua qua chênh lệch vì giờ đang thừa nhà. Câu chuyện dân mất tiền chênh 50-100 triệu đồng cho mỗi căn nhà thương mại giá 11 triệu đồng là do nhiều người thích “lao” vào, chứ kỳ thực, nhà 11 triệu đồng hiện nay không thiếu.
Hoàng Anh
Theo Infonet