Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dùng 30.000 tỷ đồng cứu địa ốc thế nào cho trúng?

Tin tưởng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ tháo gỡ thị trường bất động sản là cần thiết, song nhiều chuyên gia lo ngại việc sử dụng số tiền này sao cho đúng và trúng.

Dùng 30.000 tỷ đồng cứu địa ốc thế nào cho trúng?

Tin tưởng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ tháo gỡ thị trường bất động sản là cần thiết, song nhiều chuyên gia lo ngại việc sử dụng số tiền này sao cho đúng và trúng.

Tại buổi tọa đàm “Khả năng phục hồi thị trường bất động sản” do báo Đầu Tư tổ chức tại Hà Nội, có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề này. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thị trường bất động sản ở nước ta đang xảy ra 2 nghịch lý là cung thừa, cầu cũng thừa do phân khúc trung, cao cấp đang có lượng tồn kho lớn, còn phân khúc bình dân lại đang “cháy” hàng; giá bất động sản đang cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó, cũng quá chênh lệch so với thu nhập của người dân (gấp 25 lần). Do vậy, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mang tính chất là đòn bẩy hỗ trợ thị trường bất động sản là cần thiết nhưng phải đặt đúng chỗ mới phát huy tốt hiệu quả.

 

 Gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng được cho là đòn bẩy để kích thích thị trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cảnh báo, nếu không giám sát thực hiện chặt chẽ, số tiền rót vào thị trường bất động sản nói trên chưa chắc đã rơi vào tay người nghèo. Ông thẳng thắn bình luận, 30.000 tỷ đồng cũng mang nặng tính bao cấp với cơ chế “xin-cho”, và lịch sử đã chứng minh, những vấn đề như vậy thường có hiệu lực thấp, nguy cơ thất bại rất lớn. “Tôi cho rằng, dù là biện pháp trước mắt nhưng cần phải theo nguyên tắc của thị trường, tránh độc quyền, hành chính, chia chác… nếu không thì không thể thành công”, ông Lược nhận xét.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, gói 30.000 tỷ để hỗ trợ thị trường bất động sản dường như chưa đặt đúng vấn đề trọng tâm. Theo ông, lãi suất đối với người dân vay mua nhà 6%/năm là hợp lý, nhưng không nên dừng lại ở 3 hay 5 năm, mà ít nhất cần kéo dài 15-20 năm. “Tại Mỹ, khi mua xe ô tô, người mua sẽ quan tâm giá, giá nào rẻ thì mua, nhưng người tư vấn lại nói với người mua đừng quan tâm đến giá, mà hãy quan tâm bằng cách nào để trả được giá xe đó, với thu nhập của mình”, ông Hiếu dẫn ví dụ về mối liên quan giữa thu nhập và số tiền hỗ trợ 30.000 tỷ dành cho bất động sản.

Đồng tình với việc Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà với lãi suất 6%/năm với dự kiến 2/3 số tiền từ gói 30.000 tỷ, song Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư vẫn nghi ngại với việc dành 1/3 số tiền này để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Ông bày tỏ, phân bổ tiền cần dựa trên phân loại doanh nghiệp gắn với dự án, tiến độ thực hiện để trợ giúp các doanh nghiệp thực sự có khó khăn. Các doanh nghiệp này cũng cần đáp ứng điều kiện là chỉ cần một lượng vốn nhất định đã có thể thoát khỏi khó khăn, hoàn thành dự án. Điều này sẽ tương đương với một công nhiều việc, vừa giúp doanh nghiệp có thêm nhà ở bán cho người mua, trả được tiền vốn, lãi vay ngân hàng, nộp thuế cho ngân sách nhà nước.

Dân được hỗ trợ vay mua nhà lãi suất 6% thời hạn 10 năm

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, người dân sẽ được hỗ trợ lãi suất 6%/năm trong thời hạn 10 năm (thay vì 3 năm như đã định) khi vay tiền mua nhà từ gói hỗ trợ thị trường 30.000 tỷ đồng. Điều này thể hiện rõ trong thông tư hướng dẫn các đối tượng được vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đã soạn thảo xong, đang trình Bộ trưởng và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong điều kiện hiện nay, với thời hạn hỗ trợ lãi suất được nâng lên từ 3 năm thành 10 năm là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Gói tín dụng này tập trung vào đối tượng người có thu nhập từ trung bình trở lên, có khả năng trả cả gốc lẫn lãi trong 10 năm.

Giải thích gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chậm tung ra so với thời điểm dự kiến là 15/4, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lý do, vì thông tư cần công khai đối tượng, liên quan đến nhiều vấn đề cần làm rõ: thời hạn vay, ai được vay, quy định như thế nào về người thu nhập thấp.

Hoàng Anh

Theo Infonet
 

Hoàng Anh

Theo Infonet
 

Bạn có thể quan tâm