Sina đưa tin những ngày qua trên mạng xã hội liên tục có các video so sánh võ thuật trong Trung Quốc trên màn ảnh từ những năm 2000 và hiện tại.
Trong đó, được nhắc tới nhiều nhất là cảnh quay của Lưu Diệc Phi trong Thần điêu đại hiệp (2006) và Trương Trí Nghiêu trong Sở Lưu Hương tân truyện (2012), được so sánh với màn thể hiện của Triệu Lộ Tư trong Thả thí thiên hạ hay Bạch Chú với vai diễn Đoàn Dự trong Thiên long bát bộ (2021).
Triệu Lộ Tư và Lưu Diệc Phi
Theo Sina, trong một chủ đề là Vực dậy dòng phim võ hiệp, khán giả khen ngợi cảnh đánh võ bằng dây lụa của nữ diễn viên Triệu Lộ Tư, vai Bạch Phong Tịch trong phim truyền hình Thả thí thiên hạ. Đây là vai diễn nữ chính mạnh mẽ, khác lạ trong sự nghiệp của Triệu Lộ Tư.
Tuy nhiên, khán giả cho rằng đây là bài viết nhằm quảng bá phim của nhà sản xuất. Thực tế, người xem đánh giá Triệu Lộ Tư ra đòn thiếu lực, lạm dụng kỹ xảo, khiến cảnh quay võ thuật không đẹp mắt, mãn nhãn.
Cô bị so sánh với đàn chị Lưu Diệc Phi, thể hiện vai diễn Tiểu Long Nữ trong phim Thần điêu đại hiệp (2006), cũng sử dụng dải lụa làm vũ khí. Dù đã được quay hơn 15 năm, khán giả vẫn nhận nhận định cảnh võ thuật của Lưu Diệc Phi đẹp mắt hơn.
Cảnh võ thuật của Triệu Lộ Tư bị so sánh với Lưu Diệc Phi. |
"Các màn thể hiện của Lưu Diệc Phi có kỹ xảo hỗ trợ nhưng xem phim vẫn thấy được cô ấy dùng lực, các động tác khó được thể hiện nhiều, đẹp mắt', Sina nhận xét.
Lưu Diệc Phi còn học múa từ nhỏ, giúp các động tác của cô đẹp, tư thế chuẩn. Có thể thấy Lưu Diệc Phi thực hiện nhiều cảnh xoạc chân khó, thân thể dẻo dai, khi cô bay trên không tạo cảm giác nhẹ nhàng. Ngoài ra, ngoại hình đẹp và khí chất mạnh mẽ của Lưu Diệc Phi cũng được khen ngợi.
Theo Sina, khi tham gia bộ phim Thần điêu đại hiệp, Lưu Diệc Phi mới 18 tuổi, nhưng cô tự mình thực hiện phần lớn cảnh đấu võ trên không. Người đẹp từng bị bạn diễn đánh vào đầu, đau đến mức nằm bất động dưới đất. Lưu Diệc Phi còn bị thương ở cổ, dẫn đến di chứng về sau.
Ngược lại, cảnh quay của Triệu Lộ Tư bị cho là lợi dụng góc máy, cắt góc vì nữ diễn viên không có nền tảng võ thuật, động tác cứng.
Triệu Lộ Tư phần lớn dùng dây lụa quật qua quật lại, động tác không có lực, biểu cảm kém, không thể hiện được hình ảnh cao thủ võ lâm. Cô còn sử dụng diễn viên đóng thế trong những cảnh nhào lộn khó.
Cảnh võ thuật giả là vấn nạn của phim truyền hình
Theo Sina, cách thể hiện võ thuật trên màn ảnh hiện nay có nhiều điểm khác biệt và không nhận được sự yêu thích của người xem. Nhiều bộ phim như Ỷ Thiên Đồ Long Ký (2019), Tuyết trung hãn đao hành (2021), bị chê nhiều cảnh quay chậm (slow motion). Các bộ phim như Thả thí thiên hạ lại lựa chọn cách đẩy nhanh tốc độ cảnh quay, nhưng lạm dụng kỹ xảo.
Sina cũng cho rằng việc cảnh quay võ thuật hiện tại trông giả tạo là nguyên nhân lớn nằm ở chỉ đạo võ thuật.
Đạo diễn hành động Trương Trạch Bân chia sẻ hiện tại một người chỉ làm trợ lý võ thuật vài năm, cho một hai bộ phim truyền hình nổi tiếng đã có thể làm đạo diễn chỉ đạo hành động cho những dự án phim khác. Cảnh hành động của họ không chỉn chu vì thiếu kinh nghiệm, tư duy làm phim không phù hợp với thị hiếu khán giả.
Theo Trương Trạch Bân, cảnh võ thuật không chỉ xuất chiêu, đánh đấm qua loa để biết ai thắng. Các động tác võ thuật còn phải thể hiện tính cách nhân vật, tình thế mà họ đang trải qua.
"Khi thiết kế động tác, chỉ đạo hành động cần hiểu nội dung phim và vì sao cảnh hành động cần diễn ra như thế, nhân vật đó sở hữu võ công như thế nào, chứ không chỉ bắt chước rồi dùng phương pháp quay chậm", đạo diễn Tôn Văn Trị nói.
Màn thể hiện võ công Lăng Ba Vi Bộ của Bạch Chú trong Thiên long bát bộ (2021) và kinh công của Kim Hạn trong Quân Cửu Linh bị chê cười. Khán giả so sánh với cách diễn của Trương Trí Nghiêu trong Sở Lưu Hương tân truyện (ảnh đầu). |
Ngoài ra, hiện tại việc làm phim gấp gáp, không chú trọng việc thiết kế, triển khai cảnh hành động cũng là nguyên nhân khiến các cảnh võ thuật trên màn ảnh kém chất lượng.
Theo Sohu, trước đây những cảnh đấu võ ba người cần một tuần mới quay xong. Còn bây giờ, cách quay võ thuật được thực hiện trong nhà, ghép phông nền xanh, dồn thời lượng chỉ trong một ngày. Do áp lực về thời gian nên đạo diễn hành động phải tìm các phương pháp ứng phó, không thể đảm bảo chất lượng. Nhưng sau đó, việc xử lý hậu kỳ không chỉn chu khiến cảnh quay trở nên giả, thiếu đi sự hùng vĩ, chân thực của cảnh thực.
Nhận xét về phim Tuyết trung hãn đao hành, trên Douban hàng nghìn khán giả bày tỏ họ muốn xem một bộ phim với động tác võ thuật nhanh mạnh có lực. Tuy nhiên, chỉ đạo võ thuật của phim lạm dụng hiệu ứng kỹ xảo. Theo ông, vì muốn thể hiện nội lực của các chiêu thức, chân khí của các cao thủ võ công nên quay phim theo cách mới. Song, sự thay đổi này không nhận được sự tán thưởng của người xem.
Trước Tuyết trung hãn đao hành, bộ phim Phong khởi Lạc Dương cũng bị chê vì sử dụng nhiều cảnh slow-motion (cảnh quay chậm) trong những phân đoạn hành động.
Năm 2019, Ỷ Thiên Đồ Long ký chỉ nhận được 4,9 điểm chất lượng trên Douban. Khán giả chỉ trích việc đội ngũ sản xuất sử dụng quá nhiều kỹ xảo quay chậm trong các cảnh giao tranh, thậm chí cảnh đơn giản như bước vào hoặc rút roi. Bộ phim được đánh giá là có bối cảnh, tình tiết không tệ, nhưng khán giả khó chịu về cách đạo diễn dựng cảnh võ thuật.
Ngoài ra, Sina còn nhận xét các ngôi sao thời nay không có nền tảng võ thuật, cũng không chịu khó đầu tư vào diễn xuất. Cả nam và nữ diễn viên đều chuộng ngoại hình gầy gò, yếu ớt nên không phù hợp với các cảnh đánh nhau cần sức mạnh.
"Các diễn viên thời xưa khi quay cảnh võ thuật tư thế hiên ngang, vai thẳng, chân tay linh hoạt, bước đi nhẹ nhàng, khuôn mặt tiêu sái. So sánh cảnh sử dụng khinh công của Kim Hạn trong Quân Cửu Linh và Trương Trí Nghiêu trong Sở Lưu Hương tân truyện thấy rõ sự đi xuống của các diễn viên".