Trao đổi với Zing.vn, Chưởng môn Karate Shorin-ryu Việt Nam Cù Mai Công cho biết: "Hơn 40 năm tập võ, tôi nhận ra khác biệt giữa các môn phái có lẽ do người dạy. Liệu các chưởng môn có muốn vận dụng võ thuật vào thực tế hay chỉ để múa cho đẹp, hoặc xem võ thuật là thể dục thể thao?".
Từ Hiểu Đông thạo hơn các "cao thủ" võ thuật truyền thống Trung Hoa bởi sự lỳ đòn. Ảnh: Sina. |
Các "cao thủ" võ thuật Trung Quốc toàn luyện "võ múa"?
Võ sư Công phân tích trên thế giới có 2 khuynh hướng: Coi võ thuật là thể dục thể thao và xem võ thuật là võ thuật thật sự. Nhìn lại những trận đấu của Hiểu Đông, võ sĩ MMA này làm bẽ mặt các "cao thủ" đơn giản vì có tính thiện chiến cao. Họ Từ đã sử dụng võ thuật để đưa vào thực tế.
Một chi tiết nữa là Hiểu Đông lỳ đòn hơn đối thủ. Khi gặp Đinh Hạo, võ sĩ MMA chịu đòn tốt. Anh không hề hấn gì sau những đòn đánh của đối thủ. Khi Hiểu Đông phản đòn, các cú đấm uy lực khiến Đinh Hạo choáng váng.
Từ Đinh Hạo tới Ngụy Lôi hay Điền Dã, họ có thể chú trọng quá nhiều đến "múa võ" hơn rèn luyện để áp dụng vào thực chiến. Ngược lại, các võ sĩ MMA lại đưa tính hiệu quả lên hàng đầu. Khi ra đòn, họ chọn lọc nhiều. Đó là sự khác biệt giữa Hiểu Đông và các "cao thủ" võ thuật truyền thống Trung Quốc.
"Các kỹ thuật của Từ Hiểu Đông không quá đặc sắc. Khác biệt giúp anh ta đánh bại những đối thủ khác nằm ở kinh nghiệm thực chiến, lỳ đòn và sức bền", Chưởng môn võ phái Tân Khánh Bà Trà Hồ Tường chia sẻ với Zing.vn.
Nhà cựu vô địch thế giới wushu tán thủ Mai Thanh Ba cũng có chung quan điểm trên. Trao đổi với Zing.vn, anh cho biết tính hiệu quả về thực chiến của MMA rất cao. Khi bước lên võ đài, các võ sĩ luôn thiện chiến hơn. Bởi vậy, chiến thắng của Từ Hiểu Đông không quá bất ngờ.
"Điểm mạnh của MMA là chú trọng vào khả năng thực chiến ngay từ lúc khởi đầu. Môn võ tổng hợp này chắt lọc những gì hiệu quả nhất của nhiều môn võ khác nhau", HLV Mai Thanh Ba, một trong những người đi đầu về chuyên môn của MMA tại Việt Nam, nói.
Lã Cương là "nạn nhân" gần nhất của võ sĩ MMA. Ảnh: Sina. |
Với những võ sư đã bị Từ Hiểu Đông đánh bại, họ dường như ảo tưởng năng lực bản thân. Võ thuật hiện đại cần tính hiệu quả trong thực chiến, bên cạnh rèn luyện sức khỏe. Với Vịnh Xuân hay nhiều võ phái khác của Trung Quốc, người theo tập không được chú trọng nhiều vào tính chiến đấu.
Chính điều đó giải thích vì sao Từ Hiểu Đông mất không đầy một phút để hạ những võ sư Trung Quốc gần đây. South China Morning Post cũng phân tích những chiến thắng của võ sĩ MMA là bằng chứng cho thấy võ thuật Trung Quốc phải nhìn nhận lại về tính thực chiến trong thi đấu.
Vì sao võ thuật nên chú trọng tính thực chiến?
Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, tiêu chí cao nhất của các môn sinh khi theo học võ vẫn phải hướng đến tính thực chiến. Càng giao đấu nhiều, khả năng va chạm trực tiếp lại được nâng cao. Với phái karate shorin-ryu, những môn sinh lúc đấu đối kháng đều không cần dụng cụ bảo hộ.
Võ sư Cù Mai Công từng là HLV hướng dẫn cho Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt phái Nam Huỳnh Đạo khi võ sư này theo tập karate vào những năm 80.
Theo võ sư Công, giao đấu không dụng cụ bảo vệ phần nào hơi nguy hiểm, dù vậy rèn luyện cho môn sinh sự dũng cảm, gan dạ và không lùi bước. Lúc này, tính thực chiến được nâng lên cao hơn. Ông kể thêm chuyện các môn đồ dính chấn thương trong giao đấu là bình thường, nhưng mọi học viên đều thích thú cách huấn luyện này.
"Sân võ chúng tôi tập đấu không giáp là tiếp nối luật đấu không giáp từ các bậc tiền bối từ khai môn ở Việt Nam vào năm 1957. Ý đồ của việc này nằm trong đào tạo 60 năm nay của môn phái: không chỉ tập võ thuật mà còn rèn luyện sức chịu đựng cơ thể, phù hợp với thực tế cuộc sống: chịu đựng, làm quen với những đòn tấn công của bên kia", võ sư Công giải thích với Zing.vn.
Chưởng môn Công trong lần giao lưu với Flores. Ảnh: Hải An. |
Sau này, để hạn chế rủi ro trong lúc giao đấu, Chưởng môn Công quy định các môn đồ chỉ được phép đánh từ vùng cằm trở xuống. Và để tổ chức những màn song đấu không giáp, sân võ phải đủ khả năng cấp cứu, chữa, làm hồi tỉnh (kuatsu) những ca chấn thương. Không có mặt chưởng môn, sân võ không bao giờ tổ chức giao đấu.
Chưởng môn karate shorin-ryu Việt Nam giải thích thêm chuyện đấu không giáp đã tồn tại trong nhiều bộ môn võ thuật trên thế giới với 2 luật đấu cơ bản: No-contact (dừng đòn) như karatedo shotokan, taekwondo và "full-contact" (không dừng đòn) như một số hệ phái karate: Shorin ryu, kyokushin
Năm 2017, chuẩn võ sư Pierre Francois Flores và các môn đệ Vịnh Xuân từng giao lưu với võ phái Karate Shorin-ryu. Chứng kiến màn giao đấu không giáp của các võ sinh ở đây, Flores rất ấn tượng. Ông dành lời khen ngợi: "Màn thực chiến của môn sinh karate shorin-ryu như mãnh hổ vậy".