Câu trả lời là hoàn toàn có thể. MMA tại Việt Nam vẫn chưa có những điểm nhấn đặc biệt. Dù vậy, trên đấu trường võ thuật của châu Á, Việt Nam vẫn là một trong những thế lực lớn.
Để bắt đầu bước vào thế giới của MMA, người võ sĩ đòi hỏi phải có nền tảng nhất định. Riêng tại Việt Nam, nền tảng võ thuật của võ sĩ là rất lớn. Khi nói về Muay Thái, boxing, Tán Thủ, kick-boxing, Judo hay vật tự do, Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực.
Trần Quang Lộc từng xuất hiện trên sàn đấu MMA hồi tháng 2/2019. |
Tại mọi kỳ SEA Games, ASIAD, đội tuyển võ thuật của Việt Nam luôn gặt hái được nhiều thành tích, huy chương. Thậm chí, có nhiều năm, chỉ cần đạt huy chương bạc và đồng, người hâm mộ đã tạm cho rằng đó là những “thất bại” tạm thời của võ thuật Việt Nam.
Hiện tại, ở giải đấu danh giá ONE Championship, Lakay là một trong những đội MMA hay nhất giải khi sở hữu nhiều võ sĩ vô địch. Thời đỉnh cao năm 2018, lò Lakay có đến 4 nhà vô địch của sân chơi MMA lớn nhất châu Á.
Xuất phát điểm của đội MMA tài năng này không quá hào nhoáng như mọi người vẫn lầm tưởng. Trên thực tế, SEA Games chính là nơi ươm mầm tài năng của người đội trưởng Lakay MMA - cựu kim vô địch hạng nhẹ ONE Championship - Eduard Folayang.
Folayang (trái) từng giành HCV tại SEA Games. |
Thậm chí, Folayang khi thi đấu nội dung tán thủ cho Philippines chỉ đạt được huy chương bạc và đồng. Trong khi đó, tán thủ lại là một trong những nội dung đạt nhiều thành tích thế giới của Việt Nam. Thậm chí, lá cờ đỏ sao vàng còn từng 3 lần được đứng trên bục cao nhất của giải tán thủ thế giới.
Với nền tảng võ thuật tốt như thế, thứ duy nhất võ sĩ Việt Nam còn thiếu chính là sự nhìn nhận của cộng đồng yêu võ đối với các môn thuần đấu vật như vật cổ truyền, vật tự do, Judo và nhu thuật Brazil BJJ.
Nếu không có các kỹ năng khóa vật, dù cho võ sĩ đó có giỏi quyền cước thế nào, họ vẫn sẽ thất bại ngay lập tức nếu như đối thủ đưa được trận đấu xuống sàn. Do đó, để thật sự bước đến sân chơi MMA, võ sĩ Việt vẫn cần chú trọng hơn nữa đến những kỹ năng khóa siết.
Philippines được xem là cường quốc của MMA tại Đông Nam Á với nhiều võ sĩ tài năng. |
Tất nhiên, khởi đầu nào cũng sẽ có những khó khăn riêng của nó. Nếu như nền tảng quyền cước của võ sĩ Việt là không phải bàn cãi, việc phải lái kỹ thuật lại theo hướng đánh MMA sẽ là một điều gian nan.
Đa số các võ sĩ Việt đều bỏ cả tuổi trẻ chỉ để theo đuổi một bộ môn duy nhất, do đó họ sẽ tốn thêm một khoảng thời gian dài nữa để có thể phát triển được kỹ năng đánh nằm (địa chiến) sao cho vừa đủ để có thể chinh chiến trên những trận MMA.
Trong tập luyện, nếu bổ sung thêm kỹ năng vật, đồng nghĩa rằng võ sĩ cũng sẽ phải chịu hy sinh bớt những kỹ năng đánh đứng nền tảng của mình để dành thời gian thêm cho các môn võ mới. Thể thức thi đấu mới cũng đòi hỏi phải từ bỏ những thói quen thi đấu cũ không phù hợp.
Một vấn đề khác ở MMA Việt chính là hiện tại bộ môn này vẫn chưa thật sự được hợp pháp hóa thi đấu tại Việt Nam. Để theo đuổi sự nghiệp MMA, đòi hỏi những võ sĩ Việt phải tham gia vào các giải đấu nước ngoài, điều cực kỳ bất lợi đối với những võ sĩ nghiệp dư.
Các giải MMA nghiệp dư thế giới không phải là ít. Tuy nhiên, những yếu tố như tiền thưởng, hỗ trợ của những giải đấu nhỏ này sẽ khiến những võ sĩ Việt phải tự “móc tiền túi” ra chi trả cho chính những trận đấu của mình, chưa kể đến rủi ro chấn thương hay những lý do kinh tế khác.