Hơn 20 năm tan vỡ hôn nhân, lão một nách nuôi 4 đứa con (ba gái, một trai). Những đêm trằn trọc khó ngủ, nhìn lũ con say giấc nằm ngổn ngang trên tấm ván ép, lão lại ứa nước mắt. Sáng ra, lão túm đứa này dậy rửa mặt, chải tóc, túm đứa kia cho đi vệ sinh rồi lại hì hục xoay xở chuyện ăn sáng.
Đôi tay vụng về của lão chải tóc, thắt bím cho con gái chẳng ra làm sao. Có hôm chưa đến trường đã tuột ra, tóc tai bù xù, cô giáo phải thắt lại. Nghe con kể, lão bần thần, lại thầm ước giá như bên cạnh có một người vợ chăm lo cho con, dành phần cơm cháo, lau nhà, rửa bát…
Nhà lão ở cuối con hẻm chỉ đủ một chiều xe chạy. Hơn một nửa căn nhà nằm gối đầu trên dòng kênh Đôi (quận 8, TP HCM). Mùa nắng, nóng như đổ lửa bởi bốn bức tường ốp tôn kín bưng. Mùa mưa, nước ngập toàn bộ phía trước, chỉ chừa lại chiếc kệ ván cho bốn ông cháu ngủ.
Hai cha con lão trong một lần biểu diễn võ thuật. |
Có "mục sở thị" mới ngỡ ngàng bởi cuộc sống khốn khổ của võ sĩ một chân này. Vì ở ngoài, lão là người luôn tỏ ra mạnh mẽ, hào hiệp. Lão sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến và không bao giờ kể về hoàn cảnh của mình. Lão là Tạ Anh Dũng (55 tuổi), võ sư một chân có nghị lực phi thường.
Lão hào hứng kể về người cha, từng là đấu sĩ huyền thoại từ thời chống Pháp sang chống Mỹ. Tiếng tăm lẫy lừng trong khu vực và trên thế giới, nhiều võ sĩ người nước ngoài nghe danh đã sang Việt Nam thách đấu. Đối thủ lần lượt phải ngả mũ chào thua. Mẹ lão, thời đó là tiểu thư đài các của một dòng dõi quan tước.
Trong những lần xem đấu, bà mê mẩn võ sĩ đến từ Tây Ninh. Trên võ đài, thắng và thua đi liền với sống và chết. Chính sự khốc liệt ấy mà cha lão phải chọn một trong hai con đường. Nếu lấy tiểu thư thì phải bỏ nghiệp đấu. Nếu tiếp tục chơi thì sẽ chấm dứt mối tình hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Cuối cùng, cha lão đã chọn gia đình.
Dù thế thì người cha trong trái tim lão vẫn luôn là hình mẫu phi thường nhất của võ đạo. Sự ảnh hưởng của cha thẩm thấu trong dòng máu của lão. Lão học võ khi chưa học chữ. Đến tuổi trưởng thành, lão mê võ hơn bất cứ thứ gì. 21 tuổi, lão có mặt trên một con tàu chở hàng về miền Tây. Giữa dòng, tàu gặp tai nạn, lão bị gãy chân trái. Mọi người sơ cứu qua loa để tiếp tục hành trình.
Không ngờ vết thương bị hoại tử, khi lên bờ lão phải cắt bỏ khúc chân lên quá đầu gối để bảo toàn tính mạng. Lão tặc lưỡi: "Ngày đó thiếu thốn, khó khăn chứ y học hiện đại như bây giờ thì không phải cắt chân rồi".
Mất một chân, lão hụt hẫng, chơi vơi. Giấc mơ chinh phục võ đài vỡ vụn. Chỉ tích tắc, lão trở thành người tàn phế, bước trên đời bằng chiếc nạng oan nghiệt. Cha lão từng nói, nghiệp võ là phải đánh đổi. Đánh đổi cái chân để trở thành võ sĩ tài ba thì cái giá cũng đáng.
Có lần lão chạy xe ngoài đường đụng phải một xe khác. Lão nhẹ nhàng xin lỗi nhưng anh này không chịu. Thấy lão cụt chân, anh ta hùng hổ xuống xe lao vào đấm lão. Lão né và đỡ. Gã kia điên tiết chồm lên, bắt buộc lão phải dùng đến võ để "trả lời". Chỉ những trường hợp tận cùng, không còn cách nào khác lão mới phải dùng sức mạnh của người học võ. Sau này lão nổi tiếng rồi, đi đâu người ta cũng biết nên ít gặp phải trường hợp tương tự.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lão là huyền thoại Marathon một chân đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Lão chạy với những người khỏe mạnh, có đầy đủ chân tay. Đoạn đường chạy dài 4 km, lão chạy mất gần hai giờ. Ống kính máy ảnh, máy quay tập trung chĩa về phía lão.
Thời đó, lão nổi đình nổi đám không khác nào một siêu sao. Tôi cố hình dung ra một cái chân chạy trên đường thì nó sẽ như thế nào, lão bảo: "Dùng sức ì của cơ thể đè xuống cái chân, rồi gồng lên chạy thôi. Tuy nhiên, nó không được nhanh như người bình thường vì bước chạy không có đà".
Những năm trôi dạt đó đây, lão gặp được người con gái không chê đôi chân cụt, đem lòng thương lão. Vậy là lão lấy được vợ. Vợ chồng lão cùng nhau đi buôn rồi mua được nhà. Những đứa con ra đời càng vun vén hạnh phục và ràng buộc gia đình nhỏ của lão gắn kết với nhau. Ở được 6 tháng, mấy đứa con người chủ đến quậy, đòi lại với lý do: Nhà đang tranh chấp. Tai họa ập đến, căn nhà mà vợ chồng lão vét cạn túi mua có nguy cơ trắng tay. Tòa tuyên án lão thua, thế là mất tất cả.
Cơ đồ sụp đổ, vợ chồng lão ôm bốn đứa con ra ngoài thuê nhà. Bế tắc trong cuộc sống chưa giải tỏa được thì lão nhận ra sự thay đổi của người vợ. Lần này lão cũng tặc lưỡi: "Níu kéo làm gì khi xác người ta ở đây mà hồn treo nơi khác". Lão để vợ ra đi, xin lại bốn đứa con cho riêng mình. Lúc này, đứa lớn mới hơn 10 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Lão buồn nhưng không oán giận vợ.
Ra ngoài, lão võ sĩ sống rất vô tư, không bao giờ thổ lộ về hoàn cảnh. |
Còn lại chút vốn liếng cuối cùng, lão mua căn nhà sát mép dòng kênh Đôi. Khu vực này thuộc diện quy hoạch, lúc nào nhà nước giải tỏa thì đi. Lão biết điều đó, nhưng tiền thuê nhà vài năm cũng bằng tiền mua cái "ổ" này. Đâu cũng vào đó. Hơn nữa, ở nhà của mình dù rách vẫn thoải mái hơn ở nhà người ta.
Không còn tiền, lão chuyển sang nghề bán báo. Tiền làm được mỗi ngày, chỉ đủ mua gạo và thức ăn cho đàn con. Lão nhận thêm việc kèm đánh bóng bàn cho những người lần đầu tập chơi. Nhớ nghề võ, lão bốc mấy đứa con ra dạy. Con lão đứa nào cũng có khả năng võ thuật, nhưng cảm thấy không trụ nổi với nghiệp nên lần lượt bỏ sang ngang.
Thấy lão đi quyền điêu luyện quá, các bậc phụ huynh mang con đến nhờ lão dạy. Từ đấy, lão có thêm nghề huấn luyện võ thuật. Lão chuyên về võ cổ truyền Việt Nam nhưng môn nào lão cũng chơi giỏi. Biết tiếng lão, một số nơi gọi điện mời lão tham gia mấy chương trình truyền hình với lời hứa có thưởng.
Lão phấn khởi đầu tư đồ nghề để diễn cho ra tấm ra miếng. Lão diễn hết mình, thể hiện trọn vẹn tài năng phi thường của võ sĩ một chân. Nhưng lão nhận ra, mình chỉ mua vui cho thiên hạ cười. Lão thấy tủi nhục và hụt hẫng. Từ lần sau, mấy trò đấy lão dẹp luôn. Lão chép miệng: "Thời gian đi mua vui đó mình có thể đi biểu diễn từ thiện, giúp đỡ được nhiều người".
Con gái thứ ba của lão là võ sĩ Tạ Thị Tố Trinh (31 tuổi), từng là "hạt giống đỏ" trong làng võ Việt Nam. Ở các giải đấu lớn trong nước, võ sĩ Tạ Thị Tố Trinh thường không có đối thủ. Nhưng vì bất mãn với cơ chế, cha con lão lặng lẽ rời trường đua. Lão tuyên bố chắc nịch: "Dù thế nào đi nữa, nghiệp võ là không thể từ bỏ".
Hơn 20 năm tan vỡ hôn nhân, lão một nách nuôi 4 đứa con. Ngày ấy lão mới ngoài 30 tuổi. Với vóc dáng của một võ sư và khuôn mặt chẻ cằm, đi ra ngoài, lão luôn được phái nữ để ý.
Lão đủ tỉnh táo để nhận ra có nhiều cô "si" lão và thương lão thật lòng. Họ mong muốn được sẻ chia vất vả cùng lão. Nhưng lão gạt phăng đi. Lão hiểu được một điều, trên đời này không ai chịu đựng được như lão. Lão tâm sự thật: "Lúc yêu thương thì sống chết với nhau, thế nào cũng chấp nhận được. Nhưng chỉ là lý thuyết thôi, khi về rồi liệu người ta có vượt qua được bức vách con cái và nghèo đói? Rồi lại ra đi sớm thôi".
Bán báo về, lão vào bếp nấu cơm trưa cho các cháu. |
Những đứa con lần lượt đi lấy chồng, lấy vợ. Một tay lão chu toàn. Ngày cưới con, lão gửi thư mời vợ cũ tới dự. Dù sao thì bà ấy cũng mang nặng đẻ đau, là mẹ của các con lão. Lão bỏ qua tất cả, vì có cố chấp cũng chỉ là gánh nặng vào thân.
Trong câu chuyện của mình, lão thường lảng tránh chuyện tình cảm riêng tư. Lão né trách tất cả những câu hỏi về vợ. Chỉ biết rằng, hiện bà đã có gia đình riêng và lâu lâu có tới thăm con cháu.
Các con lão lập gia đình đều khó khăn. Vợ chồng con gái út bận đi làm nên giao ba đứa con cho lão chăm sóc. Vừa thoát khỏi kiếp "ầu ơ" thì thế hệ thứ hai xuất hiện.
Ngày, lão dậy từ lúc 5h ra chợ mua thức ăn cho ba đứa, xong lão đi bán báo. Lũ cháu ở nhà tự ăn uống, tự trông nom nhau. Đến trưa trở về nhà, lão tạt qua chợ mua thức ăn. Lão lại xắn tay vào bếp, lọ mọ nấu ăn cho bữa trưa và bữa tối.
Lão cho biết, ngày chỉ nấu ăn một lần thôi để tiết kiệm dầu ăn, muối mắm. Nhìn lão tỉ mỉ nhặt rau, rửa chén, quét nhà, lại nhìn mấy đứa cháu đu bám phía sau áo, thật khó để hình dung ra đó là đấng nam nhi "đầu đội trời, chân đạp đất". Lão yêu thương các cháu như lão từng yêu thương lũ con của mình. Chúng ăn no thì lăn ra nhà ngủ.
Chờ cháu ngủ say, lão đi gom cơm thừa canh cặn, dồn vào một tô rồi cúi đầu ăn hết. Bữa cơm trưa nhà lão kết thúc vào lúc 3h chiều. Chưa kịp rửa bát thì lão sốt sắng nai nịt đồ võ đi huấn luyện. Hiện lão đang có hai lớp dạy võ với môn sinh khoảng 30 em. Từ bàn tay lão, những đệ tử đều trở thành võ sĩ có đai, có kiện, không thua kém bất cứ lò võ nào.