Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vỡ mộng làm phi công, quân nhân Hà Lan ăn cắp máy bay để đào ngũ

Năm 1964, nhớ nhà và thất vọng vì không được làm phi công, ông Theo Van Eijck đã đào ngũ bằng cách ăn cắp máy bay từ căn cứ không quân Hà Lan tại Cộng hòa Malta để bay tới Lybia.

Ngôi nhà nhỏ của ông Theo Van Eijck là một kho tàng bí mật với bộ sưu tập những đồ vật lưu niệm treo trên tường, trần nhà và giá sách. Tuy nhiên, điều thú vị lại nằm trên bàn đối diện chỗ ông ngồi, theo BBC. 

Trải la liệt trên bàn cà phê là những mẩu báo của Hà Lan từ năm 1964. Các dòng tiêu đề đều nói về người thủy thủ trẻ đánh cắp máy bay Grumman Tracker từ căn cứ quân đội ở Cộng hòa Malta để bay đến Benghazi, Libya.

"Tôi đây!", ông Van Eijick cười, mái tóc bạc trắng vì đã ở tuổi 76. "Tôi ở ngay trong tấm ảnh này đây. Khi đó tôi mới 21 tuổi!".

"Người đàn ông nhỏ bé kiêu ngạo!", vợ của ông Van Eijick nói đùa.

cuu binh Ha Lan anh 1
Ông Theo Van Eijck tại nhà riêng. Ảnh: BBC.

Ước mơ phi công tan vỡ

Trở lại năm 1964, Theo Van Eijck chỉ là chàng trai trẻ mơ ước được làm phi công. Đó là ước mơ của cậu bé Van Eijck từ khi mới 7 tuổi. 

Ông thừa nhận mình học không giỏi, luôn lo lắng sẽ không đạt đủ điểm để làm phi công trong không quân. Khi đó, ông nghe được thông tin về việc Hải quân Hà Lan cho phép thanh niên trẻ làm thực tập sinh vị trí thợ điện, và nếu làm tốt có thể nộp đơn vào khóa đào tạo phi công của Hải quân. 

Tràn đầy lạc quan của tuổi 19, Van Eijck không ngần ngại thử sức. Ông đăng ký tham gia luôn trong 8 năm. 

Trong bức ảnh đen trắng, ông ngồi trong khoang lái máy bay, cười rất tươi vì thích thú, háo hức cất cánh. "Mọi việc bắt đầu khá tốt. Tôi được chọn cho chương trình thí điểm và tôi rất thích thú".

Đến đầu năm 1964, Van Eijck tự hào với khoảng 40 giờ bay. Tối hôm đó, chàng trai trẻ đến bữa tiệc tại doanh trại ở Hà Lan và khá say. Sĩ quan chỉ huy của ông cũng ở đó và cũng say không kém. Ông đề nghị Van Eijck nói chuyện thẳng thắn về chất lượng của chương trình huấn luyện phi công. Ông cũng đảm bảo với Van Eijck rằng đây hoàn toàn là cuộc thảo luận ngoài luồng.

cuu binh Ha Lan anh 2
Van Eijick luôn mơ ước được lái máy bay. Ảnh: BBC.

Vì vậy, Van Eijck 21 tuổi ngây thơ đã trò chuyện hoàn toàn cởi mở, cho rằng mình nên được dùng máy bay huấn luyện Grumman Tracker, loại được triển khai trên các tàu sân bay, chứ không phải loại máy bay hai động cơ như hiện tại.

Cho đến thời điểm đó, Van Eijck có thành tích huấn luyện bay rất tốt. Nhưng ngay hôm sau bữa tiệc, bảng thành tích của ông bị đánh dấu cảnh báo màu cam. Điều này có nghĩa là ông có nguy cơ bị trượt.

Tức giận vì sự bất công, trong khi chờ giáo viên tới, ông viết vài lời chê bai khóa huấn luyện lên bảng đen lớp học. Hành động này khiến ông bị giam tại doanh trại vào cuối tuần đó.

Nhưng do phòng giam quá cũ, ông tìm được cách trốn thoát. Bị phát hiện, ông ngay lập tức bị đuổi khỏi khóa tập huấn phi công và phải làm thợ điện trong Hải quân trong 6 năm còn lại.

Chán nản và tuyệt vọng vì giấc mơ tan vỡ, Van Eijck cầu xin được xuất ngũ, nhưng yêu cầu của ông liên tục bị từ chối. Vì vậy, ông bắt đầu âm mưu tìm cách đào ngũ một lần và mãi mãi. "Tôi không nói với ai cả. Nếu nói với ai, tôi đã không làm được việc đó", ông chia sẻ.

Tỉ mỉ chuẩn bị kế hoạch đào ngũ

Theo Van Eijck cho rằng cách duy nhất để trốn thoát là ăn cắp máy bay. Ông tìm thấy cuốn cẩm nang hướng dẫn lái máy bay Grumman Tracker và giấu nó trong tủ đồ của mình.

Trong khi bạn bè đi uống rượu hoặc đi ngủ, Van Eijck đã bí mật nghiên cứu. Ông kết bạn với các phi công có trình độ, trò chuyện với họ về cách khởi động động cơ và quy trình cất cánh. 

cuu binh Ha Lan anh 3
Máy bay Grumman Tracker, loại mà Van Eijck ăn cắp để đào ngũ. Ảnh: BBC.

Đêm trước khi thực hiện kế hoạch đào ngũ, Van Eijck giữ cho mình tỉnh táo trong khi đồng đội đều uống say. 

"Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và mượn xe đạp đi ra đường băng. Tôi nói với người bảo vệ tên mình là Jansen, vì vậy anh ấy không biết tôi là ai và giúp tôi mở cửa nhà chứa máy bay", ông Van Eijck kể lại.

Kế hoạch đào ngũ được ông chuẩn bị rất tỉ mỉ. Thậm chí ông còn khóa khẩu súng lục và xe đạp của người bảo vệ, ngắt đường dây liên lạc của người này để đề phòng.

Đôi mắt xanh của Van Eijck lấp lánh khi ông nhớ lại cảm giác hồi hộp buổi sáng hôm đó. "Tôi khởi động động cơ, bật radio và tháp điều khiển bắt đầu hỏi tôi là ai, tôi định làm gì. Tôi không trả lời và...", ông nói, thích thú xoa hai bàn tay vào nhau, "sau đó, tôi biến mất".

Bay ở độ cao 1.500 m trên Địa Trung Hải để tiết kiệm nhiên liệu, Van Eijck hoàn toàn đơn độc trên bầu trời. "Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất tôi từng có. Tôi đang làm điều mà mọi người cho rằng không thể. Tôi đã ngồi trong cỗ máy to lớn đó và tôi là người mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác", ông nói.

cuu binh Ha Lan anh 4
Vài mẩu báo Hà Lan viết về vụ đào ngũ của Van Eijck. Ảnh: BBC.

"Tôi vẫn có thể cảm nhận được cảm giác đó ngay bây giờ. Lúc ấy tôi đã nghĩ về mẹ tôi. Trước đó một tuần, tôi gửi cho bà một cây thánh giá bằng bạc. Bà đã đoán ra là tôi định làm gì đó", Van Eijck vừa nói vừa khóc. 

Trong 5,5 giờ đồng hồ, Theo Van Eijck, 21 tuổi, đã bay chiếc máy bay đó tới Benghazi, Lybia. Từ trên cao, ông nhìn thấy khoảng đất rộng với hai túp lều hai bên. Có một đàn cừu lớn ở đây nên ông phải bay lòng vòng trên không để xua đàn cừu đi trước khi hạ cánh một cách hoàn hảo.

"Tôi đã nhĩ, 'nếu tôi có thể hạ cánh an toàn, những gã quân nhân Hải quân kia phải công nhận là tôi có thể lái máy bay!'".

"Tôi chỉ muốn được bay!"

Một người đàn ông Hà Lan chạy ra khỏi túp lều, khá hoảng hốt khi nhìn thấy Van Eijck. Kiệt sức nhưng phấn khích, Van Eijck kể cho người này về câu chuyện của mình. 

Người đàn ông cảnh báo Van Eijck không nên quay lại châu Âu nếu không muốn bị bắt. Theo lời khuyên của đồng hương, Van Eijck đầu thú với cảnh sát Lybia.

Ông khai rằng mình chạy trốn khỏi châu Âu do bất đồng chính kiến về vấn đề người đồng tính và phụ nữ. Từ đó, Van Eijck được cấp quyền tị nạn chính trị và được bảo vệ.

Khi quân đội Hà Lan đến để nhận người và chiếc máy bay bị đánh cắp, ông Van Eijck đã đồng ý với thỏa thuận ngồi tù 12 tháng tại Hà Lan vì tội đào ngũ, sau đó ông sẽ được xuất ngũ trong danh dự.

Trong vài mẩu báo trên bàn có ảnh Van Eijck đội mũ thủy thủ và mặc bộ đồng phục Hải quân đứng bên ngoài một tòa án ở Hà  Lan. Thoạt nhìn trông ông như một thủy thủ mẫu mực, đáng kính, gọn gàng và kỷ luật. Nhưng nếu nhìn kỹ, trong ánh mắt của Van Eijck ánh lên nét bất cần và khinh miệt.

"Tôi đã có được những gì mình muốn! Tôi muốn được ra khỏi Hải quân và tôi đã làm được. Và tôi vẫn không hối hận về những gì đã làm", ông khẳng định.

Khi mãn hạn tù, Van Eijck đủ điều kiện để trở thành phi công chính thức. Ông đã thực hiện nhiều chuyến bay qua Hà Lan, Nam Phi...

"Đó là tất cả những gì tôi muốn. Tôi chỉ muốn được bay", Van Eijck nói.

Sân bay khó hạ cánh nhất thế giới và ký ức về thời hoàng kim của HK

Sân bay Kai Tak ở Hong Kong từng được xem là một trong những phi trường thách thức nhất với các phi công trong nhiều thập kỷ cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 1998.

Phi công đổ cà phê khiến máy bay chở 326 hành khách phải chuyển hướng

Một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương hồi tháng 2 đã buộc phải chuyển hướng đến Cộng hòa Ireland vì phi công làm đổ cốc cà phê ra bảng điều khiển của máy bay.





Hương Ly

Bạn có thể quan tâm