Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Võ Lâm Truyền Kỳ - thanh xuân một thời của game thủ Việt

Nếu Kim Dung được xem như “Thái Sơn, Bắc Đẩu” của văn học võ hiệp, Võ Lâm Truyền Kỳ xứng đáng có được vị thế tương tự trong lịch sử game online Việt Nam.

Thế giới võ hiệp đầy mộng tưởng được phóng tác bởi những Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, đặc biệt là Kim Dung vốn bén gốc rễ vững chãi trong văn hóa bình dân đại chúng. Những tiểu thuyết kinh điển như Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thần Điêu Đại Hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký… theo thời gian đã in đậm dấu ấn trong lòng độc giả châu Á nói chung.

Tại Việt Nam những năm 1990-2000, nhiều bộ tiểu thuyết Kim Dung được tái bản liên tục, “phim chưởng” trên màn ảnh nhỏ còn là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Nối tiếp làn sóng kiếm hiệp thịnh hành đó, Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) ra mắt phiên bản đầu tiên - Công Thành Chiến - vào tháng 4/2005, ngay lập tức trở thành “cơn sốt giải trí” trong cộng đồng người trẻ lúc bấy giờ.

Đây có thể xem là tựa game online đầu tiên và duy nhất trong nước có hệ sinh thái, chiêu thức, nhân vật… gần gũi thế giới kiếm hiệp đã quen thuộc với người chơi. Một đao, một kiếm, game thủ thỏa sức rong ruổi trong thiên nhai, để có khi vì một chữ tình mà “nhất trảm nghìn sát”.

Khổ nạn sát vai cùng tri kỷ

Thời gian đầu làm quen, game thủ hầu hết chưa biết cách thực hiện nhiệm vụ các cấp, mỗi người chỉ nhau mỗi chút, nhặt nhạnh từng đồng luyện level, thậm chí “vay tiền” mua máu, mua mana làm nhiệm vụ.

Những đêm thức canh thâu làm nhiệm vụ môn phái, dân cày VLTK hẳn không còn lạ lẫm với hình ảnh kẹp chuột bằng tăm hay băng dính mỗi đêm treo máy, hoặc thức canh đối phương cắm chuột để đồ sát trả thù. Một khi đã bước chân gây chiến, từng % kinh nghiệm đều trở nên quý giá.

Nhắc đến combat trong VLTK, là nói tới bộ đôi Nga Mi - Thiếu Lâm hoành hành khắp các server. “Bình máu” di động Nga Mi như trợ thủ chính hiệu cho “ad carry” Thiếu Lâm thoải mái sử dụng tuyệt kỹ Hàng Long Bất Vũ, cộng với Mộng Long Kim Ti Chính Hồng Cà Sa là đủ bộ cho đi Tống Kim lẫn luyện cấp độ.

VNG anh 1

Tác phẩm của Kim Dung ăn sâu trong tiềm thức một bộ phận người dân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Nhưng không chỉ có những đêm trường Tống Kim ác liệt, ký ức về tựa game "huyền thoại" này còn là những lần đua top PK, đua cả... đấu khẩu trên kênh chat thế giới, những lần cả bang hội kêu gọi nhau vật vã khắp Biện Kinh, Thành Đô, Phượng Tường đánh “boss hoàng kim“, song cuối cùng đành tức tối nhìn món đồ rơi ra bị kẻ khác KS.

Nghiệt ngã hơn là các “tay mơ” đánh boss trên ngựa nhưng quên mua máu, kết cục bị boss quật chết tức tưởi tại chỗ. Người chơi ngậm ngùi nhìn boss do bản thân phát hiện lại rơi vào tay kẻ khác. Hoặc có khi, ký ức đơn thuần là cái Tết cùng đánh quái tìm “Cầu dừa đủ xoài sung”, những mùa Trung thu tìm mảnh tranh đổi bánh tiềm năng.

VNG anh 2

Sơn Hà Xã Tắc là bản cập nhật thứ 2 sau Công Thành Chiến. Ảnh: VNG.

Thanh xuân dành cho VLTK thậm chí còn vượt ra khỏi khuôn khổ trò chơi, khi anh em được bang chủ khao một bữa ra trò sau khi cả bang hội chiếm được thành. Những câu chuyện về game, về đời phút chốc hóa thành dòng Trường Giang tuôn chảy trên bàn tiệc.

Với những đứa trẻ 9X năm xưa, tấm thẻ cào nạp giờ chơi được xem như loại tài sản quý giá. Tất cả chỉ để phục vụ nhu cầu... so bì xem xấp card của ai dày hơn. Thậm chí, khi các game online còn chưa giới hạn độ tuổi, những cô cậu bé năm xưa còn nhờ chính chủ quán tạo cho tài khoản ZingID chỉ để đăng ký nhân vật game.

Cũng từ VLTK mà có những thói quen, câu nói được sử dụng chung cho cả một thế hệ chơi game online. “Về thành dưỡng sức” là ví dụ, câu này nổi tiếng đến mức được người chơi nói với nhau cả trong những tựa game không hề có bóng dáng một bờ thành nào.

15 năm chưa “về thành dưỡng sức”

Thanh xuân dành cho VLTK, theo một cách khác, có thể gói gọn lại thành tên những vùng đất, địa danh.

Dù là cao thủ hay "gà mờ", nam thanh hay nữ tú, người chơi VLTK mới nhập môn cũng phải bắt đầu hành trình tại một trong tám thôn trấn nhất định. Nổi tiếng nhất trong số đó là cái tên Ba Lăng Huyện, nơi khởi đầu cho một hành trình huyền thoại, gói ghém cả những cảm xúc nguyên sơ nhất của “một đời” hành hiệp trượng nghĩa.

Rồi sau đó, những Lâm Du Quan, Trường Bạch Sơn, Mạc Cao Quật, Tuyết Báo Động vẫn in hằn dấu chân bao ngày cày cấp cùng bè bạn, hay cảm giác phấn khởi khi nhặt được món trang bị quý giá.

VNG anh 3

Thế giới võ lâm không chỉ là những lần PK kinh điển mà còn được hài hòa màu sắc bởi những cảnh sắc hữu tình. Ảnh: VNG.

Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một Biện Kinh nghi ngút khói lửa, Đào Hoa Đảo thiên khí hội tụ, ngũ hành hòa hợp, Vũ Di Sơn mờ ảo trong những đêm trăng.

Nhưng không chỉ mải miết PK hay cày level, VLTK còn là nơi lưu giữ nhiều "thiên tình sử" của anh hùng nữ hiệp hữu duyên hội ngộ, đồng cảm với nhau giữa chốn võ lâm giang hồ. Như câu chuyện tình của anh hùng bụi trần phong sương thấm vai, cưỡi Chiếu Dạ chiến mã khắp Thành Đô, Lâm An, Đại Lý tìm người thương đã được viết thành lời ca.

Thực vậy, thế giới chính tà phân lưỡng lập với ngũ hành tương sinh tương khắc ấy nhắc lại vẫn thấy mê say, vẫn nghe đam mê tràn đầy.

Thế hệ người chơi 7X, 8X và 9X có lẽ sẽ nhớ về VLTK theo những cách khác nhau. Nhưng ký ức chung đọng lại đều là một thời thanh xuân hóa thân thành những hảo hán Cái Bang, Thiếu Lâm, Võ Đang không quản khó khăn, rong ruổi khắp Đại Lý hành hiệp trượng nghĩa, chấn hưng võ hiệp.

Không ngoa khi nhận định VLTK chính là nơi tình yêu thuở ban sơ của game thủ Việt được đơm chồi. Những người chơi Võ Lâm trung thành nhất phải chăng cũng là thế hệ thanh thiếu niên từng ngồi hàng giờ xem phim chưởng trên đầu video cũ kỹ phải lau chùi thường xuyên, cốt mong một lần được “dụng võ công mang tâm bình thiên hạ”?

Huỳnh Lộc - Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm