Đầu những năm 2000, thời điểm Internet băng thông rộng ADSL du nhập vào Việt Nam thay thế dịch vụ Dial-up, game thủ Việt khi đó chỉ có thể giải trí qua những tựa game lậu, game crack không bản quyền.
Sự xuất hiện của Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) vào tháng 4/2005 như cơn mưa đầu mùa với làng game Việt. Trò chơi lấy chủ đề kiếm hiệp phù hợp văn hóa bình dân trong nước giúp người dùng Internet lần đầu cảm nhận được sân chơi chung, kết nối hàng triệu người chơi game cả nước.
Định hình gameplay “chuẩn kiếm hiệp”
Có thể nói, hệ thống nhân vật, cốt truyện lấy tinh thần văn hóa võ hiệp quen thuộc đã tạo ra sức hút cho VLTK. Những tùy chọn môn phái trong game như Nga Mi, Cái Bang, Thiếu Lâm… vốn đã quen thuộc trong tiềm thức một bộ phận người dân Việt Nam từ những tiểu thuyết, phim chưởng. Không những thế, các môn phái còn được phân chia dựa trên yếu tố ngũ hành tương sinh tương khắc: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tạo nên những sự cân bằng và đối đầu hấp dẫn cho game.
Từ những level đầu tiên, người chơi đã được làm quen với mob dễ thương. Thay vì quái vật hình thù xù xì, đầy tính dọa dẫm như các tựa game khác, những chú nhím, heo trắng, hươu... xuất hiện khắp nơi với tạo hình phù hợp nhiều đối tượng người chơi.
Đồ họa Võ Lâm Truyền Kỳ bản đầu tiên. |
Đồ họa Võ Lâm Truyền Kỳ bản đầu tiên.Các game thủ đời đầu hẳn sẽ không thể nào quên phiên bản “Công Thành Chiến”. Dù có đến 7 thôn trấn, game thủ thường chọn Ba Lăng huyện để khởi đầu hành trình võ lâm phiêu bạt của mình. Nguyên nhân cũng rất đơn giản, vùng đất ven Động Đình Hồ… đứng đầu danh sách 7 huyện, người chơi do đó chỉ cần click vào là có thể “chiến” game. Tại Ba Lăng, câu chuyện của cậu bé Tiểu Ngư tìm thuốc cứu cha hay Cổ Lão Thái ngày đêm trông ngóng con trai đánh cá không về, cuốn người chơi vào thế giới game mộng tưởng đầy tính nhân văn.
Nhưng rồi khi “văn ôn võ luyện” đến mức độ nhất định, Ba Lăng không còn đủ lớn cho chí anh hào, người chơi buộc phải hành tẩu đến những vùng đất mới. Gia nhập môn phái, “cày” nhiệm vụ, thành lập bang hội… rất nhiều hoạt động mở ra trên khắp bản đồ võ lâm.
Trên con đường gây dựng danh tiếng giang hồ, game thủ còn phải dấn thân vào những cuộc tỷ thí giữa cá nhân hay bang hội với nhau. Quy mô các cuộc tỷ thí PvP này có thể lên đến cả nghìn người chỉ trên một chiến trường.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến nơi thể hiện bản lĩnh, tài mưu lược của các nhà cầm quân, đó chính là chiến trường Tống Kim hay những trận Công Thành Chiến rực lửa. Những trận loạn chiến đầy kịch tính từng xảy ra trong VLTK luôn là điều mọi tựa game hậu bối khao khát có được.
Có thể nói, chiến trường Tống Kim và Công Thành Chiến, 2 tính năng tranh đấu diễn ra hàng tuần, là nơi nhân sĩ võ lâm có thể thoải mái PK, so tài cao thấp cùng nhau mà không sợ mất đi trang bị, điểm kinh nghiệm chính là nét đặc sắc nhất của game.
Theo thời gian 15 năm, có người gác kiếm buông đao, có người vẫn còn miệt mài bôn ba chốn giang hồ. Nhưng khi nhắc đến cái tên VLTK, hẳn ai cũng phải bồi hồi nhớ lại một thời thanh xuân “dữ dội”.
Xác lập những điều “đầu tiên” và “nhất”
Cho đến nay, thành công của VLTK tại thị trường Việt Nam vẫn là điều chưa tựa game nào có thể lặp lại. Chỉ 6 tháng sau khi có mặt, VLTK đã có 4,7 triệu tài khoản tham gia game, đạt con số 200.000 CCU (lượng người chơi online cùng lúc).
Đến tháng 6/2006, phiên bản “Sơn Hà Xã Tắc” ra mắt thay cho “Công Thành Chiến”, nhanh chóng thu hút thêm một số lượng lớn người chơi. Cũng trong năm 2006, có khoảng 10% dân số cả nước chơi VLTK, chiếm đến 85% cộng đồng game thủ Việt Nam. Đến 2008, năm được xem là thời đỉnh cao của VLTK, lượng tài khoản game đạt 16,7 triệu, chiếm 80% so với con số 20,8 triệu thuê bao Internet toàn quốc.
Không riêng VLTK, những “người anh em” cùng dòng game Kiếm Hiệp Tình Duyên cũng đạt được những thành tích đáng "ghi vào sử sách”. Trong 3 năm liền (2008-2010), VLTK II liên tục đạt danh hiệu Game PK hay nhất Việt Nam do cộng đồng gamer bình chọn. Võ Lâm Truyền Kỳ 3D thu hút hơn 600.000 tài khoản chỉ trong vòng một tháng ra mắt. Năm 2014, ước tính có khoảng 14 triệu người chơi Kiếm Thế.
Trong khi đó, năm 2016, số tài khoản tham gia Võ Lâm Miễn Phí đã cán mốc 18 triệu, hơn gấp đôi dân số TP.HCM lúc bấy giờ (8,3 triệu người). Trên “địa hạt” di động, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile vẫn giữ vững kỷ lục game mobile nhiều môn phái nhất (22 môn phái) trong suốt 4 năm có mặt tại Việt Nam.
Ngoài những con số biết nói, VLTK còn là tựa game đầu tiên được làm thành phim điện ảnh tại Việt Nam, với sự tham gia của nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh, ca sĩ Đan Trường. Đây còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bài hát nổi tiếng thời bấy giờ như Ta đi tìm em (Kim Minh Huy).
Võ Lâm Truyền Kỳ giữ vị thế đặc biệt trong lịch sử giải trí trực tuyến nước nhà. |
Những sân chơi dành cho game thủ như cuộc thi nhan sắc “Thập Đại Mỹ Nhân” còn chắp cánh cho nhiều tên tuổi nổi tiếng đến tận ngày hôm nay như ca sĩ Bảo Thy, diễn viên Ngân Khánh, Hoa hậu Ngọc Hân…
Khi Facebook vẫn chưa phổ biến với người dùng Việt Nam, các diễn đàn chính là nơi tụ hội của cộng đồng game thủ. Người chơi sôi nổi bàn tán về những thủ thuật, kêu gọi nhau tổ chức chuẩn bị trước mỗi sự kiện trong game.
Thậm chí, trong suy nghĩ của không ít người dân những năm 2005-2008, game online cũng chính là VLTK.
VLTK thăng hoa kéo theo sự vươn mình của “đế chế” VNG. Tựa game này góp phần rất lớn trong việc biến công ty vỏn vẹn 5 thành viên ban đầu trở thành kỳ lân công nghệ duy nhất của Việt Nam được định giá 1 tỷ USD.
Song cũng không ngoa khi nhận định nếu không phải là VNG, khó có VLTK mà chúng ta đã biết. Như đã nói, trong giai đoạn khi game lậu, game bẻ khóa vẫn đang chiếm ưu thế, việc mang về một tựa game, phát hành một cách chính thống vẫn là quyết định táo bạo của những người có liên quan.
Đặt nền móng cho ngành giải trí trực tuyến
Không chỉ trở thành đòn bẩy đưa cái tên VNG trở thành nhà phát hành số 1 trên thị trường, VLTK còn góp phần đặt những nền móng đầu tiên định hình nên ngành game Việt Nam nói riêng và giải trí trực tuyến nói chung.
Chính nhờ VLTK, người chơi nói chung đã quen với khái niệm “game bản quyền”. Quyết định thu phí giờ chơi của VLTK cũng chính là cột mốc lịch sử đặc biệt trong ngành giải trí trực tuyến tại Việt Nam. Người dùng bắt đầu làm quen với việc trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến để sử dụng sản phẩm tốt hơn.
15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ là 15 năm của vô vàn hoài niệm. |
Thành công của game cũng giúp các nhà phát hành khác nhìn ra ngành công nghiệp game online tiềm năng, nơi người dùng sẽ chịu móc hầu bao nếu được trải nghiệm sản phẩm thực sự chất lượng.
Cái tên VLTK thậm chí không chỉ trở thành trò chơi huyền thoại, mà còn là dòng game huyền thoại. Những sản phẩm ra đời sau như Võ Lâm Truyền Kỳ II, Kiếm Thế, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile… đều đạt được những thành công nhất định. Điều này cho thấy VNG đã rất nghiêm túc trong việc đề ra chiến lược bài bản, dài hơi và rộng lớn để phát triển thương hiệu. Nhờ đó, “Võ Lâm” đã thực sự được “Truyền Kỳ”.
Trên tất cả, những giá trị tinh thần mà game mang đến là không thể đong đếm. Huyền thoại game online Việt Nam vẫn sống đến ngày nay, minh chứng cho sự trường tồn của một sản phẩm có giá trị và chất lượng, món ăn tinh thần cho hơn 20 triệu game thủ đã và đang bôn ba hành tẩu giang hồ.
Độc giả tìm hiểu quá trình đồng hành cùng hành trình 15 năm Võ Lâm Truyền Kỳ tại đây.