Cách đây hơn nửa tháng, trong cuộc họp giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong tháng 9 này sẽ chính thức triển khai tái cơ cấu tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Bộ trưởng Son còn úp mở về chuyện sẽ có một "mạng viễn thông tách ra". Ông nói: "Theo đề án đã trình Chính phủ, khi tái cơ cấu phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia, bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh". Nhiều ý kiến khi ấy cho rằng "mạng viễn thông tách ra" này chính là Mobifone.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang xem xét gia tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp viễn thông. |
Ngày hôm qua, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhắc tới chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông. Cách tiếp cận của Thủ tướng là "Chính phủ đang xem xét gia tăng sở hữu của vốn ngoại tại các ngân hàng và cả các doanh nghiệp viễn thông."
Thị trường béo bở, chưa thể tiếp cận
Viễn thông là ngành kinh doanh rất béo bở vậy, nhưng nhà đầu tư ngoại hầu như chưa thể kiếm lời từ thị trường này. Trước đây, đã từng có một số mạng viễn thông nhỏ được hình thành trên cơ sở hợp tác với nước ngoài, như S-Fone giữa SPT và SK Telecom; Beeline giữa Gtel và Vimpelcom; Vietnamobile giữa Hanoi Telecom và Hutchison Telecom. Vậy nhưng giờ chỉ còn mỗi Hutchison Telecom vẫn còn “mặn mà” với Việt Nam trong khi SK Telecom và Vimpelcom đều đã rút lui.
Có thông tin cho rằng, Vimpelcom đã lỗ hơn 400 triệu USD khi đầu tư vào Việt Nam.
Muốn đầu tư gián tiếp từ mua cổ phần tại các đơn vị đang có lợi nhuận cao như VNPT hay Viettel cũng không dễ. Viettel đã tuyên bố thẳng thừng sẽ không cổ phần hóa, còn kế hoạch cổ phần hóa VNPT đã bị trì hoãn nhiều năm nay.
Mọi chuyện chỉ nóng trở lại trong mấy tháng gần đây, khi quá trình tái cơ cấu VNPT được khởi động, trong đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất là chuyện tách Mobifone khỏi VNPT. Có thể, các nhà đầu tư tài chính cũng sẽ được tham gia vào quá trình này thông qua mua lại một phần vốn góp của VNPT tại Mobifone.
Bán giá nào?
Có thể nói, Mobifone là tài sản giá trị nhất của VNPT. Năm ngoái, trong 8.500 tỷ lợi nhuận toàn tập đoàn, Mobifone góp tới 6.600 tỷ, tức gần 80%. Không rõ con số lợi nhuận sau thuế là bao nhiêu, nhưng thuế suất thực tế tại các doanh nghiệp viễn thông thường rất cao, do chi phí quảng cáo tiếp thị vượt xa mức trần khấu trừ thuế.
Giả dụ, lợi nhuận sau thuế của Mobifone là khoảng 5.000 tỷ đồng thì nhiều khả năng giá trị mạng viễn thông này sẽ dễ dàng vượt con số 100.000 tỷ đồng. Chỉ cần bán 20% Mobifone, VNPT đã thu về số tiền bằng lợi nhuận cả năm vừa rồi của Viettel.
Cũng phải nói rằng, con số 100.000 tỷ VNĐ hay 5 tỷ USD kể trên chưa phải là cao so với những doanh nghiệp viễn thông trong khu vực. Advanced Info Service - mạng viễn thông lớn nhất Thái Lan - hiện có giá trị thị trường 24 tỷ USD hay PLDT - mạng viễn thông lớn nhất Philippines - cũng được định giá xấp xỉ 27 tỷ USD.