“Chúng tôi thua thiệt”
Vị lãnh đạo trên đơn cử, có những kỹ sư được VNPT trả lương 20 triệu đồng một tháng, nhưng đối thủ trả tới gấp đôi, gấp rưỡi thì doanh nghiệp có muốn cũng khó giữ được. Trên thực tế, đã có những người tài rời VNPT đến với Viettel vì được trả lương cao hơn.
“Không phải chúng tôi không có tiền, mà chính sách, cơ chế quy định như vậy, muốn trả cao cũng không được, vì trả vượt khung thì mình vi phạm quy định pháp luật, thanh tra, kiểm tra sờ đến thì 'toi'", ông nói.
Lãnh đạo một nhà mạng lớn cũng lấy ví dụ, cách đây chưa lâu, doanh nghiệp tuyển một số kỹ sư trẻ mới ra trường vào làm bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, số kỹ sư mới này đã xin nghỉ. Có người chuyển về trường đi giảng dạy, người thì sang doanh nghiệp đối thủ, cũng với lí do thu nhập cao hơn.
Không chỉ vậy, vị lãnh đạo này còn cho biết, ngay lớp lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp viễn thông đơn vị mình, so với vị trí tương đương của doanh nghiệp đối thủ, thì lương còn thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/3-1/4 lần.
“Như vậy là khá thua thiệt, cho dù doanh nghiệp mình làm ăn cũng hiệu quả!”. Ông nói và ẩn ý rằng, có khi bản thân lãnh đạo cũng có những so sánh có những thắc thỏm, huống chi là nhân sự trẻ hay chuyên viên, kỹ sư mới.
Theo vị lãnh đạo trên, đối với doanh nghiệp viễn thông, có ba loại hình (các mảng lĩnh vực) gồm công nghệ thông tin, viễn thông và kinh doanh, tuy nhiên cả ba mảng này đều đang yếu thế trong cạnh tranh.
Cụ thể, nhóm công nghệ thông tin (như làm phần mềm…) thì không thể cạnh tranh được với FPT; với viễn thông thì cũng không thể cạnh tranh được với Viettel (do Viettel có cơ chế lương đặc thù). Còn mảng kinh doanh (lãnh đạo, quản lý) thì phải cạnh tranh với tất cả các doanh nghiệp trên thị trường, không riêng gì viễn thông, và nhà mạng cũng không thể cạnh tranh nổi về cơ chế trả lương.
Đại diện các nhà mạng lớn (chưa có cơ chế lương đặc thù) cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh cùng mảng dịch vụ, cùng thị trường, nhưng Nhà nước cho các bên cơ chế khác nhau, “vũ khí” khác nhau thì việc “chiến đấu” sẽ không thể cân sức.
Hiện mức lương tại VNPT và MobiFone, theo đại diện các doanh nghiệp này, là không còn đủ sức cạnh tranh, xét trên cả tổng quỹ lương và mức chênh lệch thấp nhất - cao nhất của mức lương.
Đã có những người tài rời VNPT đến với Viettel vì được trả lương cao hơn. |
“Nếu như chúng tôi tiếp tục không có được cơ chế lương đặc thù thì sẽ khó có thể phát huy được năng lực sáng tạo, khó thu hút và giữ chân được người tài, người giỏi”, lãnh đạo các mạng này nói.
Sân chơi công bằng?
Chưa có con số cụ thể về mức thu nhập của lãnh đạo VNPT và MobiFone được công bố. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (theo Nghị định số 51/2013/NĐ-CP), cơ chế lương với tập đoàn Nhà nước, như VNPT, đối với vị trí chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty chuyên trách là 36 triệu đồng một tháng, tổng giám đốc hoặc giám đốc là 35 triệu đồng một tháng.
Với các thành viên chuyên trách hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc là 32 triệu và kế toán trưởng là 29 triệu đồng.
Tương đương với tổng công ty đặc biệt như MobiFone, các vị trí trên có mức lương lần lượt là 33, 32, 29 và 27 triệu đồng.
Ngoài ra, theo qui định, nếu doanh nghiệp nào làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa. Như vị, trí chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty sẽ được công thêm 18 triệu đồng một tháng, nhưng tổng cộng không thể vượt quá 54 triệu đồng một háng.
“Tính cả lương hiệu quả kinh doanh thì lương của lãnh đạo cao nhất của chúng tôi cùng lắm cũng chỉ 40–50 triệu đồng một tháng”, đại diện một nhà mạng lớn nói.
Trong khi đó, với Viettel, cơ chế tiền lương thông thoáng hơn rất nhiều.
Viettel được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trả lương gắn với kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh từ năm 2011. Đến đầu năm 2015, Thủ tướng đồng ý chủ trương tiếp tục cho Viettel áp dụng cơ chế lương đặc thù (cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương), vì thế, cơ chế lương tại Viettel không áp dụng theo Nghị định số 51 hoặc các nghị định tương đương trước đó.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, với cơ chế lương đặc thù, Viettel hiện đang thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương.
Theo đó, Viettel được hưởng không quá 23% số trên (doanh thu trừ chi phí trước lương) để chi vào quỹ lương, và Viettel cũng chưa sử dụng hết quỹ để chi trả lương trong toàn tập đoàn.
Sự khác biệt trong cơ chế tiền lương trên nên mức lương giữa Viettel so với VNPT và MobiFone là khá chênh lệch. Có những quản lý cấp phòng, ban của Viettel lương còn cao hơn cả lãnh đạo cao cấp của VNPT và MobiFone.
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone, cho biết, mặc dù có những chỉ số ấn tượng (cả về doanh thu, lợi nhuận…), nhưng MobiFone vẫn còn có một số rào cản nhất định, hạn chế sự tăng trưởng của doanh nghiệp này, đặc biệt là vấn đề về cơ chế tiền lương.
Ông Trà cũng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ hỗ trợ cơ chế đặc thù về tiền lương, để MobiFone nâng cao tính cạnh tranh.
Một lãnh đạo của VNPT cũng cho biết, tập đoàn đã kiến nghị lên Bộ để đề xuất với Chính phủ cho VNPT được áp dụng cơ chế lương đặc thù. Có như vậy mới tạo ra sân chơi bình đẳng, cơ chế bình đẳng và VNPT mới có cơ hội vươn lên được.
Kiến nghị về lương đặc thù của VNPT và MobiFone đang được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệt tình ủng hộ.
Bởi, tại những cuộc họp gần đây trong ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhiều lần nói về việc cần thiết phải kiến nghị Chính phủ cho phép VNPT và MobiFone được hưởng cơ chế lương đặc thù như Viettel, để tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp viễn thông.
Theo Bộ trưởng Son, việc Chính phủ đang có ưu ái hơn cho Viettel về cơ chế lương có thể tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông. Viettel với cơ chế lương tốt hơn, có thể sẽ thu hút chất xám của MobiFone, VNPT.