Ngày 11/8, Tổng công ty VNPT VinaPhone có lễ ra mắt tại Hà Nội. Trong một hành lang rộng của khách sạn 5 sao lớn và hiện đại nhất thủ đô, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ 3 tại Việt Nam mang tới không gian quen thuộc của một triển lãm công nghệ thông tin.
eHome và eOffice là hai mảng được VNPT VinaPhone đặc biệt giới thiệu tới khách hàng, trong đó có những dịch vụ chưa từng được áp dụng như chữ ký điện tử, bệnh viện số (iHos)... Tuy nhiên, lễ giới thiệu lại hoàn toàn vắng bóng những dịch vụ đột phá về viễn thông hay trình diễn 4G mà người dùng đang chờ đợi.
![]() |
Vinaphone đặt mục tiêu trở lại vị thế số một trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay trước lễ ra mắt VNPT VinaPhone, nhà mạng này đã gửi đến khách hàng trả trước khuyến mại 100% thẻ nạp, đồng thời miễn phí phút gọi nội mạng thứ 2 đến thứ 10 với thuê bao trả sau. Đây là cách thức khuyến mại khá quen thuộc của các nhà mạng trong một thập kỷ qua, và liên tục được sử dụng mỗi khi các ông lớn viễn thông đến "dịp sinh nhật".
Trong buổi lễ ra mắt Tổng công ty VNPT VinaPhone, ông Lương Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc công ty cho biết, hơn 15.000 cán bộ đơn vị sẽ quyết tâm thực hiện chiến lược mới của tập đoàn sau tái cơ cấu. Mục tiêu cao nhất của VNPT VinaPhone không phải là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 49%/năm, hay cán đích doanh thu ước tính 83.500 tỷ đồng, mà là trở lại vị thế số một trên thị trường.
Để đạt được mục tiêu này, VNPT VinaPhone không chỉ kinh doanh riêng mảng viễn thông mà còn chú trọng vào các sản phẩm dịch vụ mới. Thực tế, VNPT VinaPhone là đơn vị được hình thành từ việc sáp nhập nhiều công ty, trong đó có Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I), Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC)... và thành viên chủ chốt là mạng di động VinaPhone. Tuy nhiên, với vị thế hiện tại là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ ba tại Việt Nam, con đường để đưa VNPT VinaPhone trở lại ngôi vương trong mắt những người lạc quan nhất, và ngay cả với bộ máy lãnh đạo của tổng công ty này, là rất khó khăn.
Tổng giám đốc Lương Mạnh Hoàng thừa nhận, chậm đổi mới chính là nguyên nhân khiến VNPT thụt lùi so với các đối thủ khác trên thị trường viễn thông Việt Nam. "Vị trí số 3 ngày nay của VNPT là bài học lớn trong quá trình vận hành, bởi VNPT đã từng là đơn vị dẫn đầu trên thị trường.
Việc tái cấu trúc VNPT để chiếm lại vị thế số một là vô cùng khó, nhưng không phải là không thể. Chuyển đổi mô hình, thay đổi căn bản cách quản trị doanh nghiệp, đi tắt đón đầu xu hướng và công nghệ, là giải pháp có thể giúp VNPT VinaPhone cạnh tranh được với các nhà mạng khác".
Theo vị này, dù đứng đầu về số lượng dịch vụ cung cấp, trải dài từ viễn thông, truyền hình số tới thiết bị công nghệ thông tin, nhưng 5 năm tới, VNPT VinaPhone chỉ đặt mục tiêu số một về lượng người dùng (số thuê bao), lợi nhuận và chất lượng chăm sóc khách hàng. Trong đó, riêng dịch vụ di động, nhà mạng này có kế hoạch tăng thị phần lên 30%.
Thực tế, trong mục tiêu năm 2020 của VNPT VinaPhone, đơn vị này chỉ đặt doanh thu 83.500 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng hơn 9%/năm, thấp hơn nhiều mức mục tiêu của MobiFone cùng thời điểm (100.000 tỷ đồng và 20% năm) và chưa bằng một nửa số ước tính của Viettel vào năm 2015 (khoảng 230.000 tỷ đồng). Ngược lại, với chỉ tiêu lợi nhuận, VNPT VinaPhone đặt kế hoạch tăng trưởng tới 49%, trong khi MobiFone chỉ là 6% và Viettel là 15%.