Không đăng ký dịch vụ, chị Ngọc Hà (Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhận được tin nhắn từ đầu số 5005: "Bạn đã đăng ký thành công dịch vụ Vip Song Khoe. Mỗi tuần chủ thuê bao sẽ nhận được 1 tin nhắn về dịch vụ kèm theo. Dịch vụ là 5.000 đồng một tháng, gia hạn hàng tháng...".
Vì sử dụng trả sau nên chị không thể kiểm tra tài khoản có bị trừ tiền không. Khi chia sẻ trên trang cá nhân, chủ thuê bao được nhiều người tư vấn nên gọi điện trực tiếp cho nhà mạng. "Đây là tin nhắn rác bẫy khách hàng. Bạn không đăng ký thì làm sao có chuyện trừ tiền hàng tháng. Nhà mạng sẽ lấy phí từ tin nhắn huỷ dịch vụ", Facebook N.V chia sẻ.
Gọi điện tới đầu số 5005 không được, chị Hà liên hệ theo số nhà mạng và được tổng đài viên xác nhận là đầu số của đơn vị này. Nhân viên tổng đài cho biết, họ không tự kích hoạt mà do khách hàng lỡ tay bấm vào ứng dụng ẩn trong trang web nào đó và tự kích hoạt dịch vụ.
Trong khi đó, chủ thuê bao khẳng định chị không vào bất kể trang web nào liên quan đến dịch vụ này. Khi chị đặt nghi vấn đây là trò lừa đảo, nhân viên này ấp úng xác nhận và đề nghị huỷ dịch vụ. Người này cũng hẹn ngày hôm sau "bộ phận phía sau" sẽ gọi lại cho chủ thuê bao. Tuy nhiên, chị Hà không nhận được phản hồi từ nhà mạng. Khi khách hàng gọi lại, nhân viên cho biết sẽ báo cáo sau.
Người tiêu dùng bức xúc vì bị trừ tiền mặc dù không đăng ký dịch vụ. Ảnh: NVCC. |
Chủ thuê bao nói trên cho biết, chị là khách hàng sử dụng mạng Viettel hàng chục năm nay. Mỗi tuần, chị đều nhận được hàng chục tin nhắn rác có nội dung chào mua sim, bất động sản... cả lúc làm việc thậm chí nửa đêm. "Thường tôi không mấy để ý đến các tin nhắn đó. Tuy nhiên, việc nhà mạng tự ý trừ tiền của khách hàng khác gì chiêu 'úp sọt'", chị Hà bức xúc.
Không chỉ chị Hà, một số chủ thuê bao khác cũng cho biết, họ bị các nhà mạng âm thầm trừ tiền hàng tháng trời cho những dịch vụ không hề đăng ký.
Chị Nguyễn Thị Minh ở Hà Nội chia sẻ thường không đọc tin nhắn rác. Một lần, nhìn vào bảng kê cước phí, chị phát hiện tài khoản bị trừ mỗi tuần 10.000 đồng cho game, kéo dài đến 4 tháng liền. Khi chị liên hệ với nhà mạng thì nhận được câu trả lời cho rằng do khách hàng nhắn tin đến tổng đài hoặc nhấp vào một biểu tượng, đường link trên web. Sau khi chủ thuê bao phủ nhận, nhân viên trực tổng đài thông báo sẽ huỷ dịch vụ.
Nhiều chủ thuê bao bị trừ tiền bởi các dịch vụ lừa đảo mà không hay biết. Ảnh: N.L. |
Anh Thanh Duy (Hà Nội), một chủ thuê bao VinaPhone cũng từng nhận được tin nhắn đăng ký thành công dịch vụ phí cước là 6.000 đồng một ngày. Sau khi thấy tài khoản nhanh hết khi ít sử dụng, anh phản ánh đến nhà mạng và được nhân viên trực tổng đài đưa ra lý do là khách đã ấn vào đường link tự kích hoạt dịch vụ khi vào mạng bằng điện thoại.
Nhân viên yêu cầu anh Duy soạn tin nhắn hủy và cho biết thêm anh đã đăng ký dịch vụ này được 1 tuần. Không chấp nhận cách giải quyết trên, anh Huy yêu cầu nhà mạng phải chịu trách nhiệm huỷ và đền bù số tiền anh bị trừ hàng ngày. "Tôi không hiểu vì sao tệ tin nhắn rác không bị dẹp đi mà nó còn lan rộng sang các chiêu trò tự trừ tiền của người tiêu dùng?", chủ thuê bao trên cho hay.
Còn chị Minh, khách hàng bị trừ tiền oan nói trên chia sẻ, sau lần đó, chị rất thường xuyên đọc các tin nhắn rác và kiểm tra bảng kê cước phí hàng tháng. Theo chị, chủ thuê bao nên gọi điện hỏi nhà mạng nếu có gì bất thường. Nếu dịch vụ đó đúng là của đơn vị cung cấp thì yêu cầu huỷ luôn để khỏi mất tiền oan.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Viettel cho rằng, khách hàng đăng ký dịch vụ có thể là do đã vô tình truy cập trang web trên hoặc tìm kiếm một từ khoá trên Google vào đọc tin/bài trên web. "Trên trang web đó sẽ hiển thị nội dung mời đăng ký dịch vụ (đính kèm), thông báo đầy đủ các thông tin. Nếu khách hàng ấn OK (đồng ý), hệ thống sẽ trả tin đăng ký thành công, có đầy đủ thông tin về giá cước, cú pháp huỷ, hướng dẫn (đính kèm). Nếu khách hàng không đồng ý sẽ không có trường hợp đăng ký dịch vụ", đại diện Viettel cho hay.
Vị này cũng khẳng định, chưa có trường hợp khách hàng nào phản ánh lại đã xảy ra vụ việc chưa truy cập trang web và ấn đồng ý mà dịch vụ lại báo đăng ký thành công: "Nhà mạng có hệ thống theo dõi từng bước của khách hàng, nên bất cứ chủ thuê bao nào xảy ra tình trạng trên có thể liên hệ trực tiếp tới tổng đài để được làm rõ".