Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới nhất.
Báo cáo đánh giá tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay.
Chuyên gia của VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Cơ sở để cơ quan quản lý tiền tệ thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt này là áp lực lạm phát đã giảm mạnh. Điều này mở ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn.
Bên cạnh đó, ngày 19/7, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ. Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ được mối đe dọa thuế quan của Mỹ và áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ giúp NHNN tập trung nhiều hơn vào các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này.
Chính sách tiền tệ được dự báo sẽ linh hoạt hơn nửa cuối năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, khi đà tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều sẽ hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi trong nửa cuối năm nay và thậm chí nửa đầu năm 2022.
Theo đó, các chính sách tiền tệ linh hoạt mà NHNN có thể áp dụng cho nửa cuối năm nay là nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay của ngành ngân hàng sẽ là 13%, tương đương năm 2020.
Ngoài ra, lãi suất tín dụng cũng được dự báo giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các khách hàng thuộc nhóm ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.
Trong tháng 7 vừa qua, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngay sau đó, một loạt ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay với mức bình quân 1%/năm. Ước tính, tổng số tiền lãi giảm từ nay đến cuối năm của các ngân hàng sẽ vào khoảng 20.300 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã cam kết chi thêm 1.000 tỷ/đơn vị để giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân ở TP.HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG HÀNG NĂM | |||||||||
Nguồn: SBV, VNDirect, Tổng hợp | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 dự báo | |
Tăng trưởng tín dụng hàng năm | % | 14.16 | 17.26 | 18.25 | 18.28 | 13.89 | 13 | 12.13 | 13 |
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay 0,8-2 điểm %/năm.
Theo các chuyên gia tại VNDirect, động thái cắt giảm lãi suất kể trên sẽ khiến mức tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm chậm lại, chỉ ở mức 0,1-0,15 điểm %/năm thay vì mức tăng 0,25-0,3 điểm %/năm như dự báo ban đầu.
Trong chia sẻ mới đây, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết cơ quan quản lý tiền tệ luôn cân nhắc và tính toán khi điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất điều hành hay điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho biết để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh, các biện pháp cần được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn và phải đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.
Qua phân tích thị trường, NHNN cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp và cầu tín dụng của nền kinh tế không cao. Do đó, cơ quan này chưa tính tới việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ khác.
Tuy vậy, Phó thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục theo dõi thị trường để có điều chỉnh khi cần thiết.