Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng muốn kéo dài thời hạn cơ cấu, giãn hoãn nợ

Thay vì được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020, NHNN đề xuất cho phép các nhà băng cơ cấu cả những khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021.

Đây là một trong những nội dung thay đổi quan trọng trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đóng góp.

Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021, nhiều tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 với phạm vi ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, dịch bệnh bùng phát trở lại đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực. Kéo theo đó là doanh thu, thu nhập khách hàng bị sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng đối với phần dư nợ đến hạn sau ngày 17/7 (ngày Thủ tướng ra công văn áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội).

Với diễn biến này, NHNN đánh giá số dư thuộc các khoản nợ của khách hàng phát sinh đến cuối tháng 7 cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Ngan hang muon keo dai thoi han co cau,  gian hoan no anh 1

Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các tổ chức tín dụng được kéo dài thời gian cơ cấu, giãn hoãn nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022. Ảnh: Việt Linh.

Trước đó, Thông tư 01/2020 chỉ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ đối với các khoản cho vay trước ngày 10/6/2020 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian 23/1/2020 đến 31/12/2021.

Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh trong nước hiện nay, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho rằng áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến 30/6/2022 là phù hợp.

Điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, NHNN cũng đề xuất cho các ngân hàng miễn, giảm lãi, phí đối với số dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 mà nghĩa vụ trả nợ đến hạn từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước đó, quy định này chỉ cho phép các ngân hàng được miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với phần dư nợ phát sinh trước 10/6/2020 mà nghĩa vụ trả nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 31/12/2021.

Một điểm mới trong dự thảo thông tư đang được NHNN lấy ý kiến là cho phép các nhà băng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước 1/8/2021.

Theo NHNN, mục đích của việc sử đổi, bổ sung Thông tư 01 như trên là để tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19. Xem xét cho khách hàng vay vốn mới để phục hồi, duy trì sản xuất thông qua giải pháp tình thế về cơ chế là Thông tư 01 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh.

Ngoài ra, các quy định mới cũng giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng xuất phát từ việc Thông tư 01 tạm thời cho phép các nhà băng giữ nguyên nhóm nợ (không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19).

Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc giảm lãi cho vay của các nhà băng

NHNN cho biết để việc giảm lãi suất cho vay đi vào thực tế, cơ quan này sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại đã cam kết trước đó.

Ngân hàng Nhà nước bơm gần 120.000 tỷ đồng qua kênh đáo hạn ngoại tệ

Theo SSI Research, đến nay có khoảng 75% lượng hợp đồng bán ngoại tệ đã đáo hạn, tương đương khoảng 118.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm