VN-Index đang áp sát mốc 1.260 điểm. Ảnh: Nam Khánh. |
VN-Index vừa trải qua một trong những tuần giao dịch khởi sắc nhất trong năm. Với việc bổ sung hơn 46 điểm, chỉ số chính đại diện sàn HoSE không những lấy lại toàn bộ thành quả bị thiệt hại vào tuần trước mà còn tiến gần hơn tới mốc 1.260 điểm.
Cả 5 phiên giao dịch trong tuần đều chứng kiến giá trị giao dịch trên 20.000 tỷ đồng, phản ánh sự ổn định của dòng tiền sau giai đoạn trồi sụt liên tục. Bình quân tuần qua, thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,05 tỷ USD, tăng 6% so với tuần trước đó.
Dòng tiền lan tỏa
Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực vững vàng củng cố đà leo dốc của VN-Index. Tuần vừa qua, nhóm này đóng góp 3 cái tên kéo chỉ số gồm VCB, BID và TCB.
Mã VCB của Vietcombank trở thành tâm điểm khi đóng góp hơn 12 điểm vào VN-Index, mức độ ảnh hưởng tích cực cao gấp 3 lần mã đứng kế sau là HPG. Với 3 phiên tăng liên tiếp (trong đó có một phiên tăng trần), một phiên giảm nhẹ và một phiên giữ nguyên tham chiếu, cổ phiếu VCB đóng cửa tuần giao dịch ở mức 97.300 đồng/đơn vị.
Sau phiên tăng kịch biên độ và leo lên mốc 97.400 đồng/cổ phiếu hôm 28/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã trở thành mã ngân hàng mới nhất phá kỷ lục giá trong quá khứ. Kể từ đầu năm, thị giá VCB đã tăng hơn 21%, qua đó giúp vốn hóa “phình to” vượt nửa triệu tỷ đồng.
Nhờ có thêm 47.000 tỷ đồng tuần vừa rồi, Vietcombank một lần nữa nới rộng khoảng cách về quy mô vốn hóa với các doanh nghiệp đứng sau. Xét riêng nhóm ngân hàng, vốn hóa của Vietcombank thậm chí bỏ xa tổng vốn hóa mà 2 nhà băng lớn đứng sau là BIDV và VietinBank cộng lại.
VN-Index có thêm 46 điểm trong tuần 26/2-1/3. Ảnh: TradingView. |
Tương tự VCB, cổ phiếu BID của ngân hàng quốc doanh khác là BIDV cũng tìm thấy đỉnh giá mới trong tuần giao dịch vừa rồi ở mốc 53.900 đồng/đơn vị. Tuy nhiên, diễn biến này cũng khiến BID va chạm thường xuyên với áp lực chốt lời.
Trong khi đó, cổ phiếu TCB của Techcombank vẫn duy trì đà tăng ấn tượng kể từ cuối năm ngoái. Tính riêng tháng 2 vừa qua, mã chứng khoán này mới có 3 phiên điều chỉnh.
Trên sàn HoSE, thị giá TCB tạm dừng ở mốc 41.850 đồng/đơn vị, tương đương giá trị vốn hóa đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu tháng 2.
Một tín hiệu tích cực là dòng tiền giờ đây không còn quá tập trung vào cổ phiếu ngân hàng mà đang lan tỏa sang nhiều nhóm khác như vật liệu xây dựng (HPG), công nghệ (FPT), hóa chất, nhựa (GVR, DGC) hay bán lẻ (MSN, MWG). Động thái này giúp đà tăng trưởng của VN-Index giảm bớt sự phụ thuộc vào một nhóm ngành cụ thể.
Riêng với HPG, cổ phiếu của “ông vua” ngành thép ghi nhận một phiên điều chỉnh và 4 phiên tăng. Trong đó, phiên 27/2 ghi nhận biên độ tăng tới 5,3%, qua đó giúp thị giá HPG vượt mức đỉnh ngắn hạn thiết lập giữa tháng 9/2023 và nâng lên ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 5/2022.
Khối ngoại mua ròng trở lại
Tuần qua, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng song tổng quy mô trên cả 3 sàn chi khoảng 114 tỷ đồng.
Tính riêng trên HoSE, dòng tiền ngoại tích cực giao dịch hơn khi mua vào tổng cộng 423 triệu cổ phiếu và bán ra 425 triệu cổ phiếu, tương đương bán ròng 2 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch ròng đạt 107 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu HPG dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị lên tới 621 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, thanh khoản của HPG được cải thiện đáng kể tuần này nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Theo các chuyên gia từ SSI Research, lợi nhuận của các công ty thép sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ cải thiện lượng tiêu thụ, đặc biệt là Hòa Phát và Hoa Sen. Biên lợi nhuận gộp cũng dự báo phục hồi từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.
NHÓM CHỨNG KHOÁN ĐƯỢC KHỐI NGOẠI BƠM TIỀN | |||||||||||
Nguồn: FiinTrade. | |||||||||||
Nhãn | HPG | SSI | DGC | VIX | VND | FUEVFVND | VNM | VHM | VRE | MSN | |
Tỷ đồng | 621 | 532 | 329 | 188 | 97 | -352 | -302 | -285 | -188 | -146 |
Dòng tiền ngoại cũng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI (+532 tỷ đồng), VIX(+188 tỷ đồng), VND (+97 tỷ đồng) hay VCI (+86 tỷ đồng) trước bối cảnh VN-Index lên cao và thị trường ngày một hưng phấn. Tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng được dự đoán khởi sắc nhờ lượng nhà đầu tư mới đổ xô tham gia thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng không còn chiếm sóng trong danh mục mua ròng của khối ngoại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân mua cổ phiếu BID (+94 tỷ đồng) và MSB (+34 tỷ đồng).
Tiền ngoại cũng quay trở lại nhóm bất động sản với các mã tiêu biểu như KBC (+80 tỷ đồng), DIG (+79 tỷ đồng), NVL (+73 tỷ đồng), NLG (+69 tỷ đồng), KDH (+27 tỷ đồng).
Ở chiều bán, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh cơ cấu chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND khi bán ròng 352 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL cũng bị bán 39 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu được chốt lời dần như VPB (+136 tỷ đồng), STB (+119 tỷ đồng), CTG (+50 tỷ đồng), SHB (+44 tỷ đồng), TPB (+43 tỷ đồng).
Sau vài tuần gom hàng, bộ 3 cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM, VRE, VIC bắt đầu bị bán mạnh với tổng quy mô 546 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng 23 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam bị bán mạnh hơn 132 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu IDC của Idico vẫn là lựa chọn yêu thích khi được gom 85 tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường UPCoM bị bán ròng 19 tỷ đồng, tập trung tại cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi (-28 tỷ đồng), VEA của Máy Nông nghiệp Việt Nam (-7 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.