Sau phiên lao dốc đầu tuần, thị trường chứng khoán có sự hồi phục khi mở cửa phiên giao dịch ngày 20/7, chủ yếu được thúc đẩy bởi đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số chứng khoán giữ được sắc xanh vào đầu phiên.
Tuy nhiên nhịp hồi phục đầu phiên chỉ là bull trap (bẫy tăng giá), các chỉ số nhanh chóng quay đầu chìm trong sắc đỏ khi lực bán tăng lên. VN-Index có thời điểm mất hơn 17 điểm và kết phiên giảm hơn 13 điểm (1,08%) về mốc 1.230 điểm.
Toàn sàn HoSE có 230 mã giảm giá (trong đó có 9 mã giảm sàn) và 129 mã tăng giá. Thanh khoản ghi nhận mức yếu với chỉ 9.200 tỷ đồng được trao tay trên HoSE. Sàn chứng khoán HNX ghi nhận mức giảm nhẹ 0,2% và sàn UPCoM có mức giảm 0,22%.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gây áp lực giảm điểm lên thị trường chung khi VN30 cũng mất hơn 11 điểm. Có 23/30 mã cổ phiếu nhóm này chìm trong sắc đỏ, một số giảm sâu như VJC mất 3,3%, PNJ mất 3,9% và VRE giảm đến 6%.
Một số điểm sáng phiên hôm nay có nhóm cổ phiếu dược phẩm - y tế vẫn đang có sức bật tốt hơn cả với VMD, DBT, VPS, JVC tăng kịch trần từ sớm. Cổ phiếu MWG tăng trở lại 2,2% lên 159.900 đồng/cổ phiếu sau phiên hôm qua mất điểm mạnh nhất nhóm bluechip.
Ngoài ra còn có cổ phiếu VAB của VietABank lên sàn chứng khoán hôm nay với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu và nhanh chóng tăng vọt 40% lên giá trần 18.900 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1,5 triệu đơn vị.
Diễn biến chỉ số VN-Index phiên sáng 20/7. Đồ thị: TradingView. |
Đà giảm của thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi các thông tin quốc tế. Chứng khoán Mỹ ngày đầu tuần cũng chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư bán tháo bởi biến chủng delta làm dịch Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều nơi.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 726 điểm, tương đương 2,1%. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% còn 4.258 điểm. Nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính và công nghiệp lao dốc mạnh nhất.
Dự báo cho hôm nay, Chứng khoán MB quan sát thấy thị trường đã có phiên giảm điểm thứ 7 trong 11 phiên gần nhất, trong đó có 3 phiên giảm gần 4%. Điều đó cho thấy quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động. Do vậy nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, chiến lược đứng ngoài quan sát cũng có thể được áp dụng.
Tương tự Vietcombank (VCBS) cho rằng VN-Index đang chịu nhiều áp lực bán, bắt nguồn từ các thông tin tiêu cực từ ảnh hưởng của làn sóng Covid lần thứ 4.
Nhóm ngân hàng và bất động sản, cùng các nhóm ngành triển vọng tốt giai đoạn nửa đầu năm 2021 sẽ là tâm điểm của các lực bán chốt lời sau thời gian dài liên tục lập đỉnh. Dòng tiền sẽ còn thận trọng, tập trung vào các mã có triển vọng kinh doanh tích cực và rõ ràng trong nửa cuối năm 2021.
VCBS dự báo chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được lực cầu tiềm năng dồi dào hơn ở vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1.200 điểm. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt lớn, hạn chế giải ngân mạnh hoặc sử dụng margin trong giai đoạn thị trường đang trong xu hướng “giảm sâu” và “mò đáy”.
Có phần trung lập hơn, Chứng khoán KB Việt Nam nhận thấy VN-Index giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại cho thấy áp lực của bên bán đang có phần chiếm ưu thế.
Tuy nhiên một số mã bluechip đang về lại các điểm đỡ đáng chú ý nên dòng tiền bắt đáy sẽ sớm gia tăng trong những phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ.