Phiên giao dịch chiều tiếp diễn với tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Gần thời điểm lúc 14h, VN Index giảm hơn 76 điểm (5,6%) về 1.271 điểm, với thanh khoản 26.400 tỷ đồng. Đây là mức giảm lớn nhất lịch sử tính về giá trị tuyệt đối của điểm số. HNX cũng giảm 6% xuống 288,6 điểm với thanh khoản 3.338 tỷ đồng. Hơn 235 mã cổ phiếu giảm sàn trên toàn thị trường.
Chỉ số chứng khoán về cuối phiên chiều có sự hồi phục đáng kể, đà giảm của VN-Index bị thu hẹp còn giảm 53 điểm trong trước khi diễn ra phiến ATC. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số đại diện sàn chứng khoán TP.HCM chỉ còn giảm gần 51 điểm (3,77%) xuống 1.296 điểm. Toàn sàn có 374 mã giảm giá (trong đó có 89 mã nằm sàn), trong khi chỉ có 36 mã tăng.
Phiên ATC cũng ghi nhận một số cổ phiếu có diễn biến bất ngờ khi MSN bật tăng 2,6%, NVL tăng 1,5%, VJC tăng 0,9% và MWG tăng 0,1% là những cổ phiếu tăng điểm trong nhóm VN30. Ngược lại cổ phiếu CTG, SBT, VPB là những mà giảm sàn trong nhóm này. Tổng thể chỉ số VN30 giảm 51 điểm trong phiên hôm nay (3,43%) xuống 1.443 điểm.
Sàn HNX khép phiên giao dịch tại mức 293 điểm, giảm 4,48% trong hôm nay. Toàn sàn có 2123 mã giảm giá (trong đó có 45 mã nằm sàn), trong khi ghi nhận 30 mã tăng. Sàn UPCoM có mức giảm 3,66% xuống 84 điểm.
Việc bán tháo dẫn đến thanh khoản tăng lên đáng kể đạt 37.200 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó giá trị khớp lệnh tăng 24% so với cuối tuần trước lên 34.400 tỷ đồng. Riêng tại HoSE, giá trị khớp lệnh ghi nhận 29.050 tỷ đồng, tăng 24%.
Trái ngược lại tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên HoSE với giá trị hơn 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu được nước ngoài gom mạnh là STB (321 tỷ đồng), SSI (186 tỷ đồng) và HPG (176 tỷ đồng). Tuần trước khối ngoại cũng mua ròng khoảng 2.600 tỷ đồng.
Phiên giao dịch chiều 12/7 tiếp tục chìm trong sắc đỏ. |
Đúng như nhận định thận trọng của các công ty chứng khoán, thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục ảm đạm. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường và áp lực bán tháo diễn ra khiến các chỉ số giảm mạnh. Tất cả cổ phiếu thuộc nhóm VN30 giảm sâu, thậm chí giảm sàn.
Tại thời điểm 10h30, chỉ số VN-Index giảm 44 điểm (3,3%) về 1.303 điểm với thanh khoản 10.300 tỷ đồng. Tương tự HNX cũng giảm 3,2% xuống 297 điểm với thanh khoản 1.440 tỷ đồng. UPCOM cũng bị đánh mất 2,5 điểm.
Tại 10h35, chứng khoán bị bán tháo mạnh, VN-INdex đang lao dốc hơn 55 điểm.
Đến 11h10, VN-Index tiếp tục lao dốc hơn 71 điểm (hơn 5,2%) về 1.276 điểm. Hàng loạt cổ phiếu nhóm VN30 giảm kịch sàn như CTG, BID, HDB, POW, TCB, VPB…
Kết thúc phiên sáng, VN-Index thu hẹp đà giảm khi chốt tại 1.291 điểm, giảm gần 56 điểm (4,14%). Toàn sàn có 376 mã giảm giá (trong đó 46 mã giảm sàn), gấp hơn 23 lần số mã tăng điểm. Giá trị khớp lệnh ghi nhận con số hơn 18.400 tỷ đồng, tăng mạnh 58% so với phiên sáng ngày 9/7 do hiệu ứng bán tháo.
Đây là phiên giao dịch giảm khá mạnh, chỉ xếp sau phiên sáng ngày 19/1 lao dốc 74,7 điểm (6,27%) và phiên lao dốc chiều ngày 28/1 khi VN-Index mất 73,2 điểm (6,67%). Chỉ số HNX vẫn lao dốc mạnh khi mất hơn 15,6 điểm (5,08%) về 291 điểm. Thanh khoản ghi nhận 2.435 tỷ đồng, số mã giảm giá là hơn 201 (trong đó có 29 mã giảm sàn) áp đảo so với 23 mã tăng. Chỉ số tại UPCoM cũng giảm 4,08% xuống 83,5 điểm với thanh khoản hơn 900 tỷ đồng.
Mặc dù thị trường giảm sâu, điểm sáng khối ngoại lại tiếp tục hiện hữu. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 300 tỷ đồng trong phiên sáng, trong khi cũng mua ròng 2.600 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Phiên giao dịch sáng 12/7 có lúc mất hơn 70 điểm. |
Chia sẻ với Zing, Ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc kinh doanh Hội sở Chứng khoán Yuanta Việt Nam – nhận định mức giảm sâu của thị trường lên 1.400 điểm thì định giá P/E trailing đã lên 20,5 lần và P/E Forward quý II ở mức 16,5 lần.
Đây là các mức định giá không còn rẻ bởi P/E bình quân 10 năm qua chỉ khoảng 14 lần. Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động bởi tình hình margin luôn ở chạm mức tối đa dẫn đến hạn chế nhà đầu tư giao dịch, qua đó làm lực cầu yếu đi. Diễn biến xấu của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 cũng làm dự báo tăng trưởng GDP giảm so với trước đó và tương tự cho dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Trong bối cảnh này, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quản lý vị thế tài khoản, nếu dùng margin cao thì nên xem xét bán hạ tỷ lệ ở các nhịp hồi phục. Làm tư tưởng tâm lý để tránh hoảng loạn bởi xu hướng trung hạn của thị trường là tăng điểm, đây chỉ là một nhịp điều chỉnh cho xu hướng trung hạn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên đánh giá nền tảng kết quả kinh doanh của danh mục cổ phiếu đang nắm giữ để đưa ra phương án tái cơ cấu danh mục. Bán các cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc nền tảng cơ bản không tốt, ngược lại ưu tiên nắm giữ và mua vào thêm đối với các cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.
Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong tuần trước (ngày 5-9/7), chỉ số VN-Index lao dốc hơn 5% về 1.347 điểm với hàng loạt cổ phiếu lớn chìm sâu trong sắc đỏ. Nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh bán ròng gần 2.000 tỷ đồng trên HoSE, mạnh nhất kể từ đầu năm. Ngược lại khối ngoại mua ròng hơn 2.600 tỷ đồng tại HoSE, chủ yếu thông qua khớp lệnh.
Dự báo cho tuần này, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng quá trình mất điểm vẫn đang diễn ra và còn quá sớm để khẳng định về khả năng hồi phục khi lực cầu bắt đáy vẫn chưa xuất hiện đủ mạnh để hỗ trợ VN-Index.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm ở các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.312 – 1.315 điểm.