Miền đất hứa của cầu thủ Thái Lan
Năm 2002, bầu Đức của HAGL đã gây rúng động cho làng bóng khu vực Đông Nam Á khi tuyên bố mua ngôi sao Kiatisak. HAGL khi đó chỉ là đội bóng chơi ở giải hạng Nhất, chưa có tên tuổi trong làng bóng đá Việt Nam trong khi “Zico” Thái là cầu thủ số 1 khu vực.
Suốt một thời gian dài theo đuổi, cuối cùng bầu Đức cũng thực hiện thành công phi vụ với Kiatisak. Mức lương trong khoảng từ 10.000- 12.000 USD/tháng ở thời điểm năm 2002, cùng những chế độ mà chủ tịch HAGL đưa ra khiến ngôi sao của bóng đá Thái Lan không thể từ chối.
Kiatisak từng nhận mức lương rất cao khi sang Việt Nam thi đấu vào năm 2002, để rồi sau đó hàng loạt cầu thủ Thái Lan sang V.League thi đấu. Ảnh: Bangkok Post. |
Kiatisak mở đường để rồi sau đó một loạt cầu thủ Thái Lan ồ ạt sang V.League thi đấu như Tawan, Dusit, Chukiat, Nirut, Pipat, Sakda, Ekaphan, Thonglao… Thời điểm năm 2002-2003, lương cầu thủ tại Thái Lan chỉ tầm 15-20 triệu đồng/tháng, trong khi chuyển sang chơi tại V.League, thu nhập hàng tháng của họ tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Điển hình như tiền vệ Datsakorn Thonglao. Năm 2007, anh được HAGL đưa về với mức phí chuyển nhượng 3 triệu baht (thời điểm đó là hơn 1,3 tỷ đồng), mức lương hàng tháng lên đến gần 89 triệu đồng (theo Tuổi Trẻ). V.League thời điểm đó thật sự là thiên đường đối với các cầu thủ Thái Lan, bởi lương họ nhận được cao hơn hẳn những cầu thủ nội và không quá kém cạnh những ngoại binh, thậm chí hơn.
V.League kiếm tiền không bằng một góc Thai League
Sau hơn chục năm ồ ạt đổ tiền làm bóng đá chuyên nghiệp, chất lượng của V.League không thấy tăng mà có phần giảm sút. Bản thân HLV Toshiya Miura dù mới sang Việt Nam nhìn nhận “V.League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân không chịu chạy, điều hành giải qua loa…”.
Không bàn đến chất lượng cầu thủ, chỉ riêng về sức hút với các nhà tài trợ và khả năng kiếm tiền, V.League hiện tại đã bị Thai League bỏ xa. Kết thúc mùa bóng 2014, nhà tài trợ cũ đã chia tay V.League, mặc dù có đối tác mới nhưng con số không được tiết lộ cụ thể, cũng không hơn gói tài trợ cũ (30 tỷ đồng/mùa) là bao.
V.League có nhà tài trợ ngoại đầu tiên sau 10 năm nhưng giá trị không quá cao so với Thái Lan, cũng cùng nhà tài trợ nhưng được cho có giá trị hợp đồng lên đến 170 tỷ/mùa. Ảnh: Hải Đăng. |
Thai League hiện tại được tổ chức như mô hình của giải NH Anh, từ tên gọi cho đến cấu trúc các giải đấu. Họ có một nhà tài trợ chính (Toyota) với số tiền không được tiết lộ, nhưng chỉ riêng những đối tác phụ đã giúp các CLB Thai League kiếm bộn tiền.
Theo tờ SportPro, vào năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Thái Lan dưới sự tư vấn của Sir David Richards - cựu chủ tịch Premier League - đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 57 triệu USD với kênh truyền hình trả tiền TrueVisions trong 3 mùa bóng (2014-2016) để giành quyền phát sóng các giải bóng đá hàng đầu Thái Lan.
Hợp đồng này có giá trị gấp 10 lần so với thỏa thuận cũ, kéo dài từ năm 2011-2013. Theo đó, các CLB tại Thai League sẽ nhận được ít nhất 629.000 USD mỗi mùa (hơn 12 tỷ đồng) từ tiền bản quyền truyền hình (BQTH). Các đội bóng sẽ nhận tiền trong 3 thời điểm: trước mùa bóng, cuối giai đoạn 1 và đầu giai đoạn thứ 2.
Cầu thủ thi đấu tại Thai League có thu nhập cao, được bảo hiểm tai nạn. Ảnh: Bangkok Post |
Theo tìm hiểu, mức lương tháng của cầu thủ CLB Chonburi, đội á quân Thai League mùa 2014 là 150 triệu đồng/tháng. Cần biết rằng, Chonburi chưa phải đội bóng giàu nhất Thái Lan như Muangthong hay Buriram United. Còn thông tin trên tạp chí Fieldoo Magazine cho biết mức lương trung bình của cầu thủ Thai League hiện nay là 30.000 euro/năm (gần 800 triệu đồng). Trong khi đó, ở giải hạng Nhất, lương trung bình của cầu thủ là 40-50 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có thu nhập cao, cầu thủ Thái Lan còn được đảm bảo “an toàn” khi thi đấu. Cách đây 1 năm, hãng bảo hiểm nổi tiếng AIA đã ký hợp đồng trị giá 380 triệu baht (12,9 triệu USD) bao gồm tiền và bảo hiểm tai nạn cá nhân cho cầu thủ của 34 đội bóng. Điều này là mơ ước của các cầu thủ tại V.League.