Mùa giải 2015, HAGL chia tay cả thảy 28 cầu thủ và HLV để đôn các cầu thủ U19 lên thi đấu. Việc này giúp họ tiết kiệm được chừng 6-7 tỷ đồng tiền lót tay, chưa kể hàng tỷ đồng tiền lương hàng tháng. Sở dĩ kinh phí hoạt động của HAGL chỉ chừng 15 tỷ đồng như tính toán của bầu Đức là do họ không mất tiền lót tay cho các cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Mức lương của các cầu thủ này cũng không cao, dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng. Một số cựu binh được giữ lại từ mùa trước như Bùi Trần Vũ, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long… là do còn hợp đồng 1 năm với đội bóng. HAGL chỉ tốn nhiều tiền cho 2 ngoại binh Morec Mitja và Darko Lukanovic. Tổng ngân sách 15 tỷ đồng bằng với số tiền mà HAGL nhận được hàng năm từ nhà tài trợ của mình. Họ sẽ thu lời từ tiền vé cũng như buôn bán vật phẩm, đồ lưu niệm. Con số này rơi vào khoản 5 tỷ đồng, giúp HAGL lần đầu tiên có lãi kể từ khi lên chơi V.League.
Việc sử dụng gần như toàn bộ các cầu thủ trẻ giúp HAGL tiết kiệm được khoản chi phí cực lớn. Ảnh: Tùng Lê. |
Tân binh V.League Đồng Tháp không công bố ngân sách hoạt động cụ thể nhưng số tiền hoạt động của họ mùa tới bằng hoặc cao hơn đôi chút so với HAGL. Đứng đằng sau đội bóng là Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp với 5 cổ đông chính và nhiều cổ đông phụ như Hùng Hậu, Sao Mai, Cỏ Mây, Hội Doanh nghiệp trẻ, Xổ số kiến thiết…
Những cổ đông này không phải đại gia nên họ chi tiền rất chừng mực, đủ để đội bóng hoạt động. Ngân sách hoạt động không quá nhiều nhưng Đồng Tháp đang có tham vọng tạo ra nguồn thu lớn từ tiền bán vé, đồ lưu niệm như móc khóa, nón, áo, biểu tượng vui… Họ tiến hành bán vé cả mùa cho tất cả các khán đài với mức thấp nhất là 260.000 đồng, cao nhất là 1,3 triệu đồng hứa hẹn sẽ thu về số tiền lớn.
Về lực lượng, phần lớn các cầu thủ của Đồng Tháp được gia hạn hợp đồng như Thanh Hiền, Felix, Samson… Họ nhận thêm vài tháng lương sau khi quyết định gắn bó thêm với đội bóng chứ không có tiền lót tay cao chót vót. Nòng cốt của đội vẫn là những cầu thủ tự đào tạo, thi đấu ăn ý cùng nhau ở mùa bóng trước.
Đồng Tháp mùa tới có nhiều doanh nghiệp chung tay góp sức để nuôi đội bóng. Ảnh: Fanpage CLB Bóng đá Đồng Tháp. |
Khác hẳn với Đồng Tháp là đội bóng láng giềng Cần Thơ. Tuy là tân binh nhưng họ được xem là đại gia mới nổi của V.League với kinh phí hoạt động không dưới 50 tỷ đồng. Hỗ trợ cho đội bóng là hơn 10 công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bản tỉnh Cần Thơ, riêng công ty Hoàn Cầu và Cà Mau đã tài trợ cho đội 7 tỷ đồng.
Nhờ có hầu bao rủng rỉnh, Cần Thơ đã đưa về 16 tân binh, trong đó bản hợp đồng với Bửu Ngọc và Lê Văn Thắng đã ngốn của họ hơn 10 tỷ đồng, chưa kể một loạt cầu thủ khác như Gomez, Valentic, Nguyễn Rogers, Công Thảo… Họ là một trong những đội bóng thay đổi lực lượng mạnh nhất ở mùa giải năm nay.
Đồng Nai không phải là tên tuổi có số má tại V.League nhưng tài chính của họ rất ổn định, với tổng ngân sách dự chi mùa tới chừng 35 tỷ đồng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng Đồng Nai vẫn giữ nguyên mức thưởng mùa trước là thắng sân khách được 500 triệu, sân nhà 400 triệu đồng. Cầu thủ đến với Đồng Nai đều có tiền lót tay chừng 200-300 triệu đồng/năm, lương chừng 25 triệu đồng/tháng.
B.Bình Dương có ngân sách hoạt động cao bậc nhất V.League khi có trong tay hàng loạt tuyển thủ quốc gia và ngoại binh chất lượng. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Một đội bóng ít tên tuổi nhưng chi tiêu lớn là Quảng Nam, với ngân sách chừng 50 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 13 tỷ đồng. Việc mang về 8 tân binh cả nội lẫn ngoại như Cao Cường, Thanh Hưng, Minh Tuấn, Huy Hùng, Văn Thuận, Anh Tuấn, Hoàng Vissai… và gia hạn hợp đồng cho các cầu thủ ngốn của họ 14 tỷ đồng. Quảng Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ ở mùa bóng tới.
V.League hiện tại không còn chi tiêu rầm rộ như trước nhưng các đội bóng vẫn là những cỗ máy ngốn tiền. Mùa tới dự kiến B.Bình Dương, Than Quảng Ninh, SHB.Đà Nẵng sẽ phải chi từ 45-60 tỷ đồng. SLNA đang gặp khó nhưng họ cũng cần ít nhất 35 tỷ đồng để duy trì hoạt động của đội 1 cũng như các tuyến trẻ. Trong bối cảnh đó, HAGL thật sự là điểm sáng hiếm hoi của bóng đá Việt Nam.