Sau đúng 20 năm, sân cỏ Việt lại dậy sóng vì những pha ghi bàn theo kiểu xưa nay hiếm. Dù tính chất, hoàn cảnh có thể khác nhau, nhưng chúng có điểm chung là xúc phạm, chà đạp lên mọi giác quan của người xem.
Mùa giải 1997-1998, trên sân Hàng Đẫy, Lã Xuân Thắng quay người sút bóng qua đầu thủ môn đồng đội Đỗ Thành Tôn. Bàn thua “ảo diệu” mang về chiến thắng 4-3 cho đội khách An Giang, về sau được “phân tích” là cách giải quyết không thể khác vì… xã hội đã bắt đội Công an Hà Nội phải “nằm”.
Chiều hôm qua (19/2/2017), TP.HCM thoả sức ghi bàn vào khung thành không hề có sự kháng cự của Long An. Người ta bảo Long An “nằm” cho đội bóng của Công Vinh đá, vì họ bất phục tiếng còi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư.
Trọng tài Thư châm ngòi cho hài kịch Long An "nằm" để TPHCM tha hồ đá. Ảnh: Quốc Bảo. |
Về luật, TPHCM dù có ghi 3 bàn hay nhiều hơn thế nữa trong tình cảnh đó cũng chẳng có gì sai. Nhưng cái bẽ bàng là đối thủ để mặc cho họ tha hồ chơi bóng một mình, tất cả chỉ lững thững đi bộ hoặc nhào lộn như diễn viên xiếc.
Dĩ nhiên, phản ứng từ phía Long An chắc chắn sẽ nhận về những án kỷ luật không hề nhẹ. Nhưng điều đáng nói là dù có đưa ra án phạt thế nào thì VFF, VPF hay BTC V.League cũng không thể gột rửa được những vết nhơ, mà như Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng nói, đã làm mất hết thể diện bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam có còn thể diện không để mà mất? Rất nhiều người hâm mộ lập tức đặt câu hỏi ngược lại, đầy chán nản và cay đắng.
Họ, bao nhiêu năm nay, luôn phải xem bóng đá nội trong tâm thế kẻ bị dối lừa, bị xỏ mũi, bị chơi khăm. Và dù dân tộc Việt Nam có tự hào về tình yêu bóng đá lớn lao đến đâu đi nữa, thì cái gì cũng có giới hạn.
Long An và trọng tài Thư có vẻ như đã đẩy cái giới hạn ấy đến nhanh hơn trong lòng người hâm mộ. Một đội bóng chuyên nghiệp hành xử vô tổ chức hơn cả tụ bạ đá giải phong trào, một đội ngũ trọng tài hễ cứ làm nhiệm vụ là gây ra sự cố…
Sự cố với trọng tài thì ở đâu cũng có, từ láng giềng Thái Lan cho đến ngoại hạng Anh. Nhưng mấu chốt nằm ở niềm tin, và trọng tài Việt Nam, chưa cần biết đúng sai, họ cứ cắt còi là bị nghi ngờ và phản đối.
Cái điệp khúc trọng tài kém cỏi, sai lầm, gây tranh cãi, còn đội bóng thì đay nghiến, đòi từ mặt hay kỷ luật trọng tài… đã lặp đi lặp lại suốt 6 vòng đấu của V.League 2017. Nó khiến các đội bóng, các cầu thủ cứ nhìn mặt hay nghe còi của các Vua áo đen là đã có cảm giác bất mãn và bất an.
“Tai nạn” có thể xảy ra mọi lúc, nhưng đổi lại những điểm số bị đánh cắp chỉ là một vài lời xin lỗi (hiếm khi được thốt lên một cách chân tình) hoặc một vài trận treo còi chiếu lệ. Các trọng tài dường như được thượng cấp dung túng, càng khiến người ta dễ tin rằng họ đang “nhờn án” và quá dễ dãi với cả chuyên môn cũng như đạo đức của mình.
Gần đây, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ rằng muốn bóng đá Việt Nam khá lên, chỉ có cách phá đi xây lại. Nhưng dễ gì phá được cái thành trì thâm căn cố đế ấy, khi chỉ một bộ phận của nó là Ban trọng tài, lâu nay vẫn hiên ngang… đạp lên dư luận mà hành động.
Trận đấu giữa TPHCM và Long An thuộc vòng 6 V.League 2017 diễn ra trên sân Thống Nhất chiều 19/2. Gần cuối trận đấu, khi tỷ số đang là 2-2, Hoàng Lâm (Long An) có va chạm với Dyachenko (TP.HCM) trong vùng cấm. Trọng tài Nguyễn Trọng Thư chỉ tay vào chấm phạt đền khiến các cầu thủ Long An rời sân để phản đối và sau đó trở lại sân nhưng không thi đấu, mặc kệ đối thủ liên tiếp ghi bàn.