Ông Cao Văn Chóng. Ảnh: VPF |
Trong thời gian diễn ra Euro 2016, một số trận đấu ở V.League khiến người hâm mộ nghi ngờ vì có số lượng bàn thắng rất lớn (từ 8-9 bàn). Bên cạnh đó, công tác trọng tài liên tiếp xảy ra sai sót khiến độc giả đặt dấu hỏi cho giải đấu hàng đầu cấp CLB ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với đối tác Sportradar - đơn vị chống tiêu cực danh tiếng trong làng bóng đá thế giới, lãnh đạo VPF và VFF khẳng định chưa phát hiện ra trường hợp tiêu cực nào ở các cầu thủ V.League từ đầu giải đến nay. Đặc biệt trong quá trình diễn ra Euro 2016, dù có nhiều trận đấu khiến dư luận dậy sóng nhưng V.League vẫn là giải đấu trong sạch.
Tổng giám đốc VPF, ông Cao Văn Chóng cho biết, ông thường xuyên làm việc với lực lượng an ninh trong nước và công ty Sportradar để nắm bắt, cập nhật liên tục những thông tin về tiêu cực ở V.League.
"Sportradar có đặc quyền truy cập kiểm tra số dư tài khoản, nội dung tin nhắn, e-mail và mạng xã hội của cầu thủ, ban huấn luyện. Hàng tuần, họ gửi báo cáo về cho VPF nên có gì bất thường là chúng tôi sẽ biết ngay", ông Cao Văn Chóng cho biết.
Ông Chóng tiết lộ thêm, Sportrada cũng thông báo một số trận đấu V.League được nhà cái nước ngoài cập nhật kèo độ trên các trang mạng của họ. Tuy nhiên điều này chưa phải dấu hiệu bất thường, bởi các trận đấu lớn như ở Euro 2016 cũng được công khai kèo độ là chuyện bình thường.
Sau khi kết thúc Euro 2016, VPF vẫn tiếp tục duy trì kết nối với Sportrada và các cơ quan an ninh tại Việt Nam để phát hiện tiêu cực, đảm bảo tính trong sạch của giải đấu.
V.League không tiêu cực dưới góc nhìn của những lạnh đạo đứng đầu VPF. Còn với người hâm mộ, họ vẫn có quyền nghi ngờ khi nhiều trận đấu có những dấu hiệu bất thường từ chuyện tỷ số lẫn cách cầm còi của tổ trọng tài.
Những sự cố ở V.League gây bức xúc trong thời gian diễn ra Euro 2016.
Vòng đấu 15 (diễn ra 9 và 10/7):
- Trận Thanh Hóa vs Quảng Nam (hòa 4-4): CĐV sân Thanh Hóa đồng thanh chửi trọng tài. Giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải của Thanh Hóa lăng mạ trọng tài vì không thổi phạt Diao Sadio dù cầu thủ này để bóng chạm tay trước khi dẫn tới bàn thắng nâng tỷ số lên 4-3 cho Quảng Nam.
- Trận HAGL vs Hải Phòng (hòa 1-1): Đội khách Hải Phòng cho rằng trợ lý trọng tài đã bẻ cờ để công nhận bàn thắng cho HAGL. Cụ thể, trọng tài biên Trần Xuân Nguyện căng cờ báo việt vị nhưng sau khi hội ý với trọng tài chính vẫn công nhận bàn thắng cho đội bóng phố núi.
- Trận Quảng Ninh vs Đà Nẵng (tỷ số 3-2): Hậu vệ Tuấn Tú của Quảng Ninh có pha vào bóng triệt hạ Văn Học (Đà Nẵng) nhưng chỉ bị nhận thẻ vàng.
Vòng đấu 14 (diễn ra 3/7):
- Trận Hà Nội T&T 1-1 Long An: Trên sân Hàng Đẫy có ít nhất 2 tình huống Thành Lương, Samson không việt vị nhưng vẫn bị thổi phạt.
- Trận Đà Nẵng 2-1 Thanh Hóa: Bàn thắng của Merlo (Đà Nẵng) gây tranh cãi khi Thanh Hóa cho rằng ngoại binh của đội bóng sông Hàn đã ở thế việt vị.