11,5 tỷ đồng được phân bổ cho các đội bóng dựa vào thành tích trên bảng xếp hạng V.League 2015. Đội Đồng Nai bị xuống hạng nên chỉ nhận được hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản như tiền thẻ vàng, thẻ đỏ, tiền phạt nguội…, họ nhận hơn 100 triệu đồng. Trước đó, họ cũng như 13 đội còn lại tham dự V.League phải đóng lệ phí cho ban tổ chức giải (BTC) giải mỗi đội 500 triệu đồng. Tính toán chi li, đội bóng này chẳng kiếm được đồng nào từ BTC, thậm chí lỗ hơn 400 triệu đồng.
V.League thực chất không thu được đồng nào từ bản quyền truyền hình (BQTH). Việc phát sóng các trận đấu tại V.League thông qua phương thức trao đổi, khi các nhà đài quy đổi 15 phút quảng cáo cho các nhà tài trợ của VPF trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai hiệp. 11,5 tỷ đồng mà 14 đội bóng V.League chia nhau không bằng số tiền con số trung bình 629.000 USD (hơn 14 tỷ đồng) mà một đội bóng ở giải Thailand Premier League (TPL) nhận được từ kênh truyền hình trả tiền TrueVisions trong một mùa giải giai đoạn 2014 - 2016.
Đồng Nai (áo đỏ) chi hơn 43 tỷ đồng để hoạt động ở mùa bóng 2015 nhưng số tiền họ thu được chưa bằng 1/10 con số chi ra. |
Nhận được tiền chẳng đáng là bao từ BTC giải, khả năng tự kiếm tiền của các đội bóng V.League cũng có hạn. Đồng Nai mùa vừa qua chi 43 tỷ để hoạt động nhưng họ chỉ thu được 2 tỷ từ tiền vé và thêm 1 tỷ từ tiền bán quảng cáo trên sân vận động, khoản lỗ rất lớn. SHB.Đà Nẵng từ vài mùa qua gần như không quan tâm đến nguồn thu từ vé, tiền thu được dùng để làm từ thiện. Đội ĐKVĐ V.League B.Bình Dương miễn tiền vé 3/4 khán đài cả mùa và chỉ có vài trận là sân Gò Đậu hết chỗ ngồi.
HAGL là trường hợp hiếm hoi khẳng định mình sinh lãi từ bóng đá ở V.League 2015. Họ thu được 5 tỷ tiền bán vé; 1,6 tỷ đồng tiền quảng cáo trên sân; hơn 400 triệu đồng tiền bán áo; chưa kể hơn hơn 13 tỷ từ nhà tài trợ, một hãng nước uống, hai hãng thuốc nhỏ mắt… Trong khi đó, tổng chi của đội mùa vừa qua chỉ hơn 15 tỷ do bầu Đức đôn lứa U19 lên nên không tốn phí chuyển nhượng, lót tay nhiều.
HAGL kiếm được nhiều tiền nhờ sức hút của lứa cầu thủ U19. |
Những đội bóng còn lại, đều phải có ngân sách hoạt động tối thiểu 35 tỷ đồng nhưng thực chất số tiền họ chi ra cao hơn nhiều lần. QNK Quảng Nam chi ra không dưới 50 tỷ đồng ở V.League 2015, trong đó có 13 tỷ đồng từ ngân sách nhưng thành tích rất lẹt đẹt. XSKT Cần Thơ tốn gần 60 tỷ đồng để hoạt động, đổi lại là chiếc vé trụ hạng.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF trong phiên họp thứ 4, nhiệm kỳ 2014 – 2017 của HĐQT ngày 28/10 cho biết: “VPF hoạt động với mục đích lời lỗ ở đây mà chúng tôi tìm mọi nguồn thu nhiều nhất để hỗ trợ cho các CLB và một phần hỗ trợ cho Liên đoàn để chăm lo các đội tuyển. Tiền tài trợ kiếm được sẽ phân bổ đều về các CLB”. Dự kiến, mùa bóng 2016 VPF sẽ thu về hơn 131 tỷ đồng. Nếu làm được điều này, các đội bóng tại V.League sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn 49,1% so với mùa trước nhưng chẳng thấm vào đâu so với những khoảng chi ra.
Buriram là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ ở TPL dù họ mới tạo được tiếng vang cách đây không lâu. |
TPL sinh sau đẻ muộn nhưng nhiều đội bóng Thái Lan đã kiếm được những khoảng tiền khổng lồ từ bóng đá, có lỗ nhưng không nhiều. Theo thống kê của văn phòng Bộ doanh nghiệp Thái Lan mùa bóng 2014, CLB Buriram United đạt tổng doanh thu 450 triệu baht (trên 280 tỷ), lỗ 2 triệu baht (gần 1,4 tỷ đồng); Chonburi thu 120 triệu baht, lỗ 5 triệu baht. Những CLB làm ăn có lãi điển hình như BEC Tero (thu 180 triệu baht, lãi 2 triệu baht), Suphanburi (thu 108 triệu baht, lãi 3 triệu baht), Army United (thu 102 triệu baht, lãi 5 triệu baht)…
Về khả năng kiếm tiền, TPL cũng bỏ ra VPF. Hàng năm họ kiếm được khoảng 800 triệu baht (hơn 480 tỷ đồng), trong đó có 600 triệu baht từ BQTH và 200 triệu baht từ các nhà tài trợ… Đến bao giờ V.League mới thật sự kiếm được tiền từ bóng đá, chấm dứt tình trạng một số đội ngửa tay xin tiền ngân sách, còn xin không có thì… giải tán?