Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết năm 2022, số cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 13,8%; số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm tăng so với năm 2021 và được tiếp thu, thực hiện đạt 99,2%.
Tuy nhiên, vẫn còn “17 trường hợp bị oan” trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKS, đồng thời vẫn còn để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội. Số án thụ lý giảm, nhưng số vụ bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%.
Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Ảnh: Phạm Thắng. |
Lý giải nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định các biện pháp hạn chế dần quyền con người có dấu hiệu phạm tội.
Trong quá trình áp dụng các biện pháp tố tụng, ông Trí đánh giá không nên dùng chữ “oan”, bởi oan chỉ được xác định khi bản án có hiệu lực thi hành đồng thời kết luận có tội hay không.
Ông Trí lấy ví dụ một vụ mua bán ma túy hay vụ cá độ đá gà 50-70 người. "Anh đứng đó là anh có liên quan thì tôi phải mời anh lên. Anh có liên quan, có hành vi, dấu hiệu phạm tội thì tôi mời. Anh ở nhà thì tôi đâu có mời”, ông Trí nói và cho biết đến nay không có khiếu kiện về oan sai trong những vụ việc được đình chỉ.
Với trên 120.000 vụ án hình sự mỗi năm, ông Lê Minh Trí cho rằng 17 vụ được nhận định là oan sai “không nói lên điều gì”. Ông cũng nhấn mạnh việc này cần lưu ý, nhưng không nên đánh giá quá sớm, tạo tâm lý trong thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết việc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay yêu cầu thực hiện song song giữa chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm. Hai nội dung này được ông đánh giá là có tầm quan trọng “một chín, một mười”.
Về việc tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, ông Trí lý giải đây là hoạt động được luật cho phép. Bởi có nhiều trường hợp khi ra tòa mới có phản cung, có tình tiết mới. Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đã được luật pháp lường trước và cho phép nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Đồng quan điểm, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho rằng đình chỉ vụ án là hoạt động thông thường, không có nghĩa là ám chỉ là oan sai. Việc xác định oan sai phải do tòa án quyết định.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện báo thẩm tra được làm rất thận trọng.
Về 17 trường hợp bị oan, bà Nga dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho rằng "đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội… thì xác định đó là các trường hợp bị oan phải bồi thường”.
“Việc xác định oan hay không không phải do Ủy ban Tư pháp quyết định phải theo luật”, bà Nga khẳng định.
Nhấn mạnh về hoạt động trả hồ sơ điều tra bổ sung, bà Lê Thị Nga cho rằng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất đây là quy trình bình thường trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, nếu số lần tòa trả hồ sơ cho VKS yêu cầu khởi tố thêm bị can mới, yêu cầu truy tố thêm hành vi phạm tội mới quá nhiều, chứng tỏ quá trình kiểm sát điều tra, truy tố, chất lượng chưa bảo đảm.