Mỗi năm, chính phủ Mỹ cấp visa H-1B, visa lao động tạm thời, cho khoảng 65.000 lao động và 20.000 nhân sự trình độ đại học khác.
Nhưng chương trình này đang đối mặt với khả năng cắt giảm hoặc bị siết chặt lại khi ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là người từ lâu vẫn luôn phê phán việc cấp visa H-1B như là kẽ hở khiến người Mỹ mất việc.
"Hàng ngàn công nhân Mỹ đang bị thay thế bởi lao động nước ngoài", Reuters trích lời ông Sessions nói trong một phiên điều trần ở quốc hội hồi tháng 2/2016.
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions là người ủng hộ siết chặt visa lao động cho người nước ngoài. Ảnh: Drudge Report. |
Việc siết visa H-1B sẽ gây ảnh hưởng lớn khi đây là loại visa làm việc phổ biến mà rất nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp thường xin để có thể ở lại Mỹ làm việc.
Các công ty sẽ nộp khoảng 236.000 hồ sơ xin visa cho nhân viên của mình, cạnh tranh nhau để lấy 85.000 visa này - hạn mức mà luật Mỹ quy định. Do số lượng đăng ký nhiều, sẽ có hệ thống quay xổ số để cấp visa.
Visa này sẽ được các công ty xin cho nhân viên của mình chứ không phải được cấp theo từng cá nhân. Visa H1-B thường dành cho những ngành nghề mà lao động trong nước Mỹ không đáp ứng được, ví dụ như công nghệ.
Những người phê phán chương trình này thì nói các công ty lợi dụng để có thể thuê nhân công giá rẻ nước ngoài thay vì dùng nhân công trong nước (đắt đỏ hơn).
Một số công ty công nghệ đã và đang vận động hành lang để mở rộng hạn mức cấp visa, trong khi nhiều người kêu gọi phá bỏ hệ thống "xổ số" này và thay bằng cấp visa cho công ty nào trả mức lương cao nhất.
Chính sách cấp visa theo mức lương này sẽ làm "chùn chân" các hãng công nghệ và họ buộc phải quay về thuê nhân lực trong nước. Hồi năm 2015, Thượng nghị sĩ Sessions đề xuất một biện pháp tương tự.
Các chuyên gia luật về nhập cư và nhà vận động hành lang nhận định dưới thời Tổng thống Trump, chương trình cấp visa hiện tại khó có thể mở rộng như mong ước của các hãng công nghệ.
Tuy nhiên, một số người thân tín của tổng thống tân cử cũng nói rằng chương trình visa có thể được giữ nguyên chứ không bị thu hẹp. Shalabh “Shalli” Kumar, một doanh nhân từng đóng góp 9.000 USD cho chiến dịch tranh cử của Trump, kể rằng Trump từng nói "họ (các lao động trình độ cao) là những con người tuyệt vời, có điên mới để họ ra đi".
John Miano, một luật gia ở Viện nghiên cứu Cải cách Luật Nhập cư - một nhóm vận động bảo thủ thân thiết với Trump - cũng ủng hộ việc ưu tiên visa cho các công ty trả lương cao hơn.
Bản thân tổng thống tân cử Donald Trump từng có những tuyên bố trái ngược nhau về chính sách visa lao động của Mỹ. Đôi khi ông chỉ trích, một số lần khác ông cho đây là một cách quan trọng để giữ người tài lại nước Mỹ, theo Reuters.
Tuy nhiên, trong cả chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên tuyên bố sẽ giành lại công ăn việc làm cho người Mỹ.
Đại diện của Trump lẫn Sessions vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên.