Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba mảnh ghép đầu tiên hé lộ gì về 'cỗ máy Trump'?

Diễn biến mới trong quá trình chuyển giao quyền lực cho thấy những chính sách cực đoan mà ông Trump tuyên bố khi vận động tranh cử không chỉ là lời hứa suông.

Donald Trump thuở còn là ngôi sao truyền hình, điện ảnh Trước khi thành tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nổi tiếng khi đóng nhiều quảng cáo, xuất hiện cùng hoa hậu hoàn vũ hay tham gia chương trình truyền hình thực tế, thể thao giải trí.

Nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu lộ diện hôm 18/11 với 3 nhân vật được đề cử vào các vị trí chủ chốt. Thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm bộ trưởng Tư pháp, nghị sĩ Mike Pompeo làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), còn tướng về hưu Mike Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia.

Trung thành là tiêu chí số 1

Một điểm chung dễ thấy ở cả 3 nhân vật vừa được ông Trump cất nhắc là sự trung thành với tổng thống đắc cử. 

Jeff Sessions, người được lựa chọn cho vị trí bộ trưởng Tư pháp, chính là thượng nghị sĩ đầu tiên công nhận ông Trump làm ứng viên đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống, bất chấp kinh nghiệm chính trị hạn chế của tỷ phú bất động sản.

"Tôi nhiệt liệt ủng hộ tầm nhìn của tổng thống đắc cử về 'một nước Mỹ thống nhất' và cam kết của ông về công lý bình đẳng theo pháp luật, Sessions nói về Trump sau cuộc bầu cử.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là quan chức an ninh cấp cao duy nhất ủng hộ tỷ phú New York trong quá trình ông vận động tranh cử. 

ba manh ghep trong co may Trump anh 1
Ba nhân sự được Tổng thống đắc cử Trump chọn lựa cho chính phủ mới (từ trái sang): Jeff Sessions, Michael Flynn và Mike Pompeo. Ảnh: The Guardian

Người được đề cử làm giám đốc CIA, nghị sĩ Mike Pompeo của bang Kansas, ban đầu ủng hộ Marco Rubio làm ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa song đã chuyển sang phe Trump sau khi vị tỷ phú chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ. 

Pompeo từng hết lời khen ngợi tổng thống đắc cử hồi tháng 7: “Các bạn đã thấy Trump có những quyết định đúng đắn trong việc làm ăn và cho gia đình, các con ông ta. Và tôi rất hứng khởi khi ủng hộ một người luôn đặt nước Mỹ lên trên hết”.

Dấu hiệu của một chính phủ cứng rắn

Nhiều cử tri ủng hộ Trump làm tổng thống vì muốn ông mang đến sự thay đổi cho Washington. Danh sách nhân sự mới công bố cho đến thời điểm này có thể sẽ đáp ứng được kỳ vọng của họ. 

Theo nhà sử học Julian Zelizer, cả 3 lựa chọn đều đại diện cho những nhân vật nổi tiếng bảo thủ trong chính phủ. 

Thượng nghị sĩ 70 tuổi Sessions được biết đến là người phân biệt chủng tộc rất gay gắt. Vào năm 1986, cựu Tổng thống Ronald Reagan từng đề cử ông cho chức thẩm phán liên bang nhưng không được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Sessions bị cáo buộc có những phát ngôn phân biệt chủng tộc với các đồng nghiệp trong văn phòng ở Alabama, theo The Guardian.

Lựa chọn Sessions đứng đầu bộ Tư pháp là dấu hiệu cho thấy tổng thống đắc cử đang chuẩn bị đưa đường lối cứng rắn trong vấn đề nhập cư vào Nhà Trắng. 

ba manh ghep trong co may Trump anh 2
Ông Trump (phải) và Thượng nghị sĩ Jeff Sessions trong cuộc vận động tranh cử ở Madison, Alabama ngày 28/2/2016. Ảnh: Politico.

Về vị trí lãnh đạo CIA, nghị sĩ "diều hâu" Mike Pompeo (52 tuổi) là người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran và từng chỉ trích kịch liệt bà Hillary Clinton trong cuộc điều trần về vụ tấn công đại sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya năm 2012. 

Trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Pompeo tham gia nhóm bảo thủ “phong trào đảng trà”, ủng hộ việc thu thập thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và chống đối việc phá thai…

Những tranh cãi diễn ra nhiều nhất xung quanh việc chỉ định ông Mike Flynn, 57 tuổi, vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Đây là chức vụ tổng thống toàn quyền bổ nhiệm mà không cần sự thông qua của Thượng viện.

Dù được kính trọng trong giới chức quân sự và tình báo, ông Flynn bị chỉ trích là quá cực đoan về người Hồi giáo. Nhân vật này bị "ám ảnh" rằng luật Sharia của người Hồi đang lan rộng tại Mỹ và người Hồi là trung tâm của cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.

Tư tưởng trên hoàn toàn đối lập với quan điểm chính sách của Mỹ từ thời Tổng thống George Bush, theo đó gốc rễ của bất ổn Trung Đông không phải người Hồi giáo mà là những kẻ cực đoan bạo lực.

Quan niệm của ông Flynn cũng đồng nghĩa với việc đưa cả thế giới Hồi giáo vào danh sách kẻ thù, chẳng khác nào giúp khủng bố Al Qaeda và IS đạt được mục đích. 

Năm 2014, Flynn từng bị Tổng thống Barack Obama loại khỏi đội hình Lầu Năm Góc vì cung cách điều hành "gây rối loạn" và lập trường quá cứng nhắc, hung hăng. 

ba manh ghep trong co may Trump anh 3
Flynn bị sa thải khỏi Lầu Năm Góc năm 2014 vì cung cách điều hành "gây rối loạn" và lập trường quá cứng nhắc về vấn đề chống khủng bố. Ảnh: AP.

Diễn biến mới trong quá trình chuyển giao quyền lực cho thấy những tuyên bố của ứng viên đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử không chỉ là lời hứa suông. Một "cỗ máy Trump" đang dần dần được xây dựng và có lẽ sẽ khác so với những gì thường thấy ở chính trị chính thống Mỹ.

Tổng thống mới đắc cử còn chuyển đi một "thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đảng phái". "Ông Trump đang ra dấu cho đảng Cộng hòa hãy cùng nhau sát cánh bởi ông sẽ thực hiện những điều mình đã hứa", nhà sử học Julian Zelizer nhận định. 

Trump gặp gỡ Obama tại Nhà Trắng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có cuộc gặp với đương kim Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục, một ngày sau cuộc bầu cử.

10 ngày thế giới hồi hộp nhìn Tổng thống tân cử Donald Trump

Quá trình chuyển giao quyền lực và những lời hứa nào sẽ được thực hiện của Tổng thống tân cử Donald Trump đang là tâm điểm cả thế giới dõi theo.

10 ngày sau thắng cử, Trump đã làm được gì?

10 ngày trôi đi, tâm điểm của giới quan sát lúc này là bộ máy của Trump có mang lại thay đổi như vị tỷ phú đã hứa, nhất là việc bộ máy chuyển giao đang hoạt động thế nào.

 




An An

Bạn có thể quan tâm