Theo đó, Apple đã có những buổi tiếp xúc với 2 đối tác lớn là Foxconn và Pegatron về vấn đề này, trong đó Foxconn đang cố khai thác những khả năng trong khi Pegatron thẳng thừng từ chối do vấn đề về chi phí sản xuất.
Theo Nikkei, Apple đưa ra yêu cầu chuyển nhà máy sản xuất iPhone từ tháng 6, trước khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống. Tuy nhiên, yêu cầu từ phía Apple được cho chịu ảnh hưởng lớn từ phát ngôn của Donald Trump.
Trước đó, tân tổng thống Mỹ không ít lần nhắc đến việc sẽ yêu cầu Apple và hàng loạt tập đoàn lớn của nước này dời dây chuyền sản xuất về Mỹ để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân bản địa.
"Chúng tôi sẽ bắt Apple phải sản xuất những chiếc máy tính chết tiệt của họ và nhiều thứ khác tại đất nước này, thay vì một nơi nào đó", Donald Trump phát biểu hồi tháng 1 tại đại học Liberty.
Chuyển dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ có thể gây ra những tác động lớn lao đối với Apple. Nguồn tin của Nikkei cho hay, chi phí sản xuất có thể đội lên 50% nếu điều này thành hiện thực bởi phần lớn đối tác cung cấp linh kiện cho Apple đều đặt nhà máy tại châu Á.
Motorola từng thử đưa nhà máy sản xuất smartphone về Mỹ nhưng thất bại toàn diện và buộc phải đóng cửa nhà máy đó vào năm 2014 do chi phí quá cao.
Apple trước đó cũng cho thấy nỗ lực trong việc đưa mảng sản xuất phần cứng trở lại nước Mỹ, chẳng hạn việc sản xuất máy Mac Pro 2013. Công ty này khi đó đầu tư 100 triệu USD cho quá trình sản xuất ban đầu.
Tuy nhiên, nếu đưa iPhone trở lại nước Mỹ, câu chuyện về quy mô sẽ hoàn toàn khác, theo The Verge.