Khắp Tây Âu, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dùng những từ ngữ miêu tả một cuộc chiến để nói về nỗ lực đẩy lùi virus corona. Đại dịch này đã khiến một số bệnh viện đứng trên bờ vực sụp đổ, theo New York Times.
Và nhân viên y tế là những người lính trên chiến tuyến.
Trong số 40.000 ca nhiễm được xác nhận tại Tây Ban Nha, 5.400 ca hay gần 14%, là các chuyên gia y tế, Bộ Y tế nước này cho biết hôm 24/3. Không quốc gia nào có số nhân viên y tế nhiễm virus chiếm tỷ lệ đến hai chữ số như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề này đang lan rộng khắp châu Âu. Tại Italy, Pháp và Tây Ban Nha, hơn 30 chuyên gia y tế đã chết vì nhiễm virus và hàng nghìn người khác đã phải tự cách ly.
Tăng áp lực lên hệ thống y tế
Tại tỉnh Brescia, tâm dịch ở Italy, 10-15% nhân viên y tế đã nhiễm bệnh và phải nghỉ làm, theo một bác sĩ ở đó.
Tại Pháp, hệ thống bệnh viện công ở Paris đã có 490 nhân viên bị nhiễm bệnh. Con số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đang gia tăng trong hệ thống có 100.000 nhân viên.
Hiện tượng tương tự cũng bắt đầu diễn ra ở Anh và Mỹ, nơi dịch đang lây lan nhanh nhưng vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.
Tại bệnh viện La Paz ở Madrid, một trong những bệnh viện lớn nhất tại thủ đô của Tây Ban Nha, 426 nhân viên nhân viên y tế, tức 6% nhân viên, phải cách ly tại nhà sau khi dương tính hoặc có triệu chứng của việc nhiễm virus, theo số liệu nội bộ của công đoàn đại diện cho các bác sĩ ở Madrid.
Một bệnh nhân xuất viện ở Bệnh viện Del Mar ở Barcelona hôm 24/3. Ảnh: New York Times. |
Tại bệnh viện Igualada có quy mô nhỏ hơn ở Catalonia, 1/3 trong số 1.000 nhân viên của bệnh viện đã phải ở nhà.
“Virus đã ở đây trong khi chúng ta chỉ kiểm tra những người đến từ Vũ Hán và Italy”, Ángela Hernández Puente, phó tổng thư ký của hiệp hội bác sĩ nói. “Một số bác sĩ của chúng tôi làm việc mà không được bảo vệ đầy đủ và trở thành người truyền bệnh”.
Khi các bác sĩ, y tá và những nhân viên khác ngã bệnh, hệ thống y tế vốn đã phải chịu sức ép của dịch bệnh càng trở nên mỏng manh hơn. Những nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và bệnh viện của họ trở thành nơi phát tán virus.
Số lượng ca nhiễm ở Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi cứ sau bốn ngày và quốc gia này đang nhanh chóng trở thành tâm dịch tiếp theo của châu Âu. Hôm 24/3, số người chết ở Tây Ban Nha đã lên tới 2.700, cao thứ hai ở châu Âu chỉ sau Italy.
Tại Madrid, nhiều người chết đến nỗi sân trượt băng tại đây được trưng dụng làm nhà xác.
Trong một số viện dưỡng lão, các binh sĩ đến khử trùng phát hiện nhiều người già bị bỏ rơi, hoặc chết trên giường. Các công tố viên của Tây Ban Nha phải mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha đã chậm trễ trong việc đặt ra các biện pháp hạn chế để ngăn dịch.
Ngay cả khi dịch lan rộng ở miền bắc Italy, các sự kiện lớn vẫn diễn ra vào đầu tháng này ở Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha đã đợi đến ngày 14/3 mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp và buộc người dân phải ở trong nhà, trừ những tình huống đặc biệt.
Tây Ban Nha cũng không dự trữ thiết bị y tế từ sớm. Các bác sĩ và y tá đã phải làm việc với tình trạng thiếu nhiều thiết bị và đồ bảo hộ.
Tình hình đã khiến nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe của Tây Ban Nha phải xin thêm thiết bị, các bác sĩ, y tá và nhân viên xe cứu thương nói với New York Times.
Nhân viên y tế thành người lan truyền bệnh
Với những nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, họ thấy vô cùng bất lực.
Ông Marc Arnaiz, là một bác sĩ nội khoa của bệnh viện Igualada. Ông có kết quả dương tính vào đầu tháng này.
“Với chúng tôi, đây là nghề nghiệp. Vì vậy thật khó chịu và bực bội”, ông nói với New York Times.
Vị bác sĩ 31 tuổi cho biết có khả năng ông bị lây từ một bệnh nhân. Ông có các triệu chứng đầu tiên vào ngày 9/3, ngày bệnh nhân của ông có kết quả dương tính. Bệnh viện ông đã trở thành nơi tập trung nhiều ca bệnh nhất ở đông bắc Tây Ban Nha.
Nhân viên y tế bên ngoài một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha vào hôm 24/3. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù không thể biết có bao nhiêu bệnh nhân lây cho bác sĩ và ngược lại, sự lây lan đáng báo động trong các bệnh viện đã khiến chính phủ phải vật lộn với sự thiếu hụt cả nhân viên và thiết bị y tế.
Tuần trước, chính phủ đã đưa ra một kế hoạch tuyển dụng khẩn cấp để huy động thêm 50.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe, từ sinh viên y khoa đến bác sĩ đã nghỉ hưu.
Bà Yolanda, đã là một y tá trong 30 năm qua trong một bệnh viện công ở Madrid. Đầu tháng này, khi dịch bệnh bùng phát ở Tây Ban Nha, bà đã được chuyển đến một phòng cấp cứu dã chiến và làm việc mà không có đồ bảo hộ đầy đủ.
“Chúng tôi phải làm việc trong tình trạng không có đồ bảo hộ và bị căng thẳng bởi một môi trường làm việc rất khác biệt”, bà nói. Bà cũng cho biết rằng trước đây bà chưa từng xử lý bệnh nhân đặt nội khí quản.
Các y tá trong nơi bà làm có khẩu trang và đồ bảo hộ, nhưng họ phải tái sử dụng chúng nhiều lần.
Hôm 22/3, bà đã có kết quả dương tính với virus cùng với khoảng 30 đồng nghiệp khác. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, giờ chúng tôi thành một phần của chuỗi lây nhiễm”, bà nói.
Choáng ngợp vì thiếu thiết bị
“Khi virus lây lan trong bệnh viện, chúng tôi vẫn được thông báo rằng việc sử dụng đồ bảo hộ phải được giới hạn trong các trường hợp cụ thể”, ông Juanjo Menéndez, giám đốc truyền thông của SATSE Madrid, một hiệp hội y tá nói. “Đây là loại lỗi cơ bản mà sinh viên được học trong năm đầu tiên tại trường y”.
Tại Tây Ban Nha, Pháp và Italy, các quan chức và chuyên gia chăm y tế cho biết họ đã bị choáng ngợp vì thiếu thiết bị.
Ông Giorgio Gori, thị trưởng của Bergamo, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Italy, nói rằng “các bác sĩ không được bảo vệ”, và “thiếu các biện pháp phòng thủ đầy đủ”. Ông cũng nói thêm rằng ông vẫn nhận được yêu cầu cung cấp khẩu trang và găng tay từ các bác sĩ khám cho bệnh nhân tại nhà.
Ông Jean-Paul Hamon, chủ tịch của một trong những hiệp hội bác sĩ lớn nhất của Pháp, nói với đài truyền hình LCI hôm thứ ba rằng ông đặc biệt lo lắng về những nhân viên không ở trong bệnh viện nhưng vẫn tiếp xúc gần với bệnh nhân, như bác sĩ đa khoa hoặc nhân viên viện dưỡng lão.
Ba trong số năm bác sĩ đã chết vì Covid-19 tại Pháp cho đến này là bác sĩ đa khoa, và một người là bác sĩ phụ khoa. “Nhà nước hoàn toàn không chuẩn bị gì”, ông Hamon, người cũng bị nhiễm virus cho biết. “Nhà nước sẽ nợ chúng tôi một lời giải thích”.
Nhân viên tại Phòng khám Bệnh viện Barcelona hôm 24/3 đã cảm ơn những người dân ra ban công của mỗi đêm để thể hiện sự biết ơn với các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ Tây Ban Nha đang tăng cường nỗ lực mua thiết bị y tế, cũng như phân phối khoảng 650.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mới trên cả nước. Hai máy bay chở hàng chứa đầy khẩu trang và các thiết bị khác của Trung Quốc đã hạ cánh ở Madrid và Zaragoza hôm 24/3.
“Chúng tôi cũng có thể nhiễm bệnh như mọi người, nhưng chúng tôi cũng là mối đe dọa đối với các đồng nghiệp khác”, ông Juan, một bác sĩ 37 tuổi trong một bệnh viện công ở Madrid nói. “Nếu bạn dương tính với virus nhưng khi đến bệnh viện, không còn nhân viên y tế nào ở đó, bạn có thể làm gì?”.