Giáo sư Gabriel Leung, chủ tịch y học công cộng tại Đại học Hong Kong, cho biết câu hỏi quan trọng nhất là tìm ra quy mô và chiều sâu của dịch bệnh. Hầu hết chuyên gia nghĩ rằng mỗi người bị nhiễm sẽ tiếp tục truyền virus cho khoảng 2,5 người khác. Điều đó mang lại "tỷ lệ tấn công" là 60-80%.
"Sáu mươi phần trăm dân số thế giới là một con số cực kỳ lớn", ông Leung nói với Guardian trên đường tới cuộc họp tại trụ sở WHO ở Geneva hôm 11/2.
Cảnh sát phong tỏa một khu dân cư ở Hong Kong. Ảnh: AFP/Getty. |
Ngay cả khi tỷ lệ tử vong chung thấp tới 1%, điều mà ông Leung nghĩ là có thể một khi các trường hợp nhẹ hơn được tính đến, thì số người chết sẽ rất lớn.
Ông sẽ nói trong cuộc họp chuyên gia của WHO rằng vấn đề chính là quy mô của dịch bệnh đang gia tăng trên toàn thế giới và ưu tiên thứ hai là tìm hiểu xem các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan có hiệu quả hay không - bởi nếu có, các nước khác nên nghĩ tới việc áp dụng chúng.
Ông Leung - một trong những chuyên gia thế giới về bệnh dịch virus corona, người đóng vai trò chính trong dịch Sars năm 2002-2003 - đang làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học hàng đầu khác tại Đại học Hoàng gia London và Đại học Oxford.
Cuối tháng 1, ông cảnh báo trong bài báo trên Lancet rằng dịch bệnh "có khả năng bùng phát" theo cấp số nhân tại các thành phố ở Trung Quốc, chỉ sau Vũ Hán một đến hai tuần.
Ở những nơi khác, "dịch bệnh tự phát độc lập ở các thành phố lớn trên toàn cầu sẽ là không thể tránh khỏi" vì sự di chuyển đáng kể của những người bị nhiễm bệnh nhưng chưa phát triển các triệu chứng và không có các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây lan.
Các nhà dịch tễ học và các nhà chức trách đang cố gắng tìm hiểu những gì có thể xảy ra. "Có phải 60-80% dân số thế giới sẽ bị nhiễm bệnh? Có thể không. Có lẽ điều này sẽ đến theo các đợt sóng. Có lẽ virus sẽ làm giảm khả năng gây chết người của nó vì chắc chắn nó sẽ không mạnh lên nếu giết chết tất cả nạn nhân trên đường đi bởi nó cũng sẽ bị tiêu diệt", ông Leung nói.