Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch rung lắc dữ dội trong ngày 21/10. Việc thiếu vắng dòng tiền cũng như nhóm ngành nâng đỡ chủ đạo khiến nguồn cung nhanh chóng chiếm ưu thế.
Tình trạng này thậm chí còn tệ hơn vào phiên chiều khi hàng loạt cổ phiếu tài chính - ngân hàng bị chốt lời mạnh.
Kết phiên, VN-Index giảm 5,69 điểm (-0,44%) xuống 1.279,77 điểm; HNX-Index giảm 1,78 điểm (-0,78%) xuống 227,43 điểm; UPCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,6%) xuống 92,14 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn giảm nhẹ so với phiên gần nhất xuống hơn 15.500 tỷ đồng.
Sắc đỏ thống lĩnh bảng điện tử với 487 mã giảm (gồm 10 mã giảm sàn), 862 mã giữ tham chiếu và 258 mã tăng (gồm 26 mã tăng trần).
Trong đó, cổ phiếu VHM là tâm điểm của phiên với việc tăng 5,6% lên mốc 47.800 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Thanh khoản của VHM cũng tăng 3-4 lần so với thông thường lên gần 1.000 tỷ đồng, đều là giao dịch khớp lệnh.
Vốn hóa của Vinhomes qua đó được nới rộng lên hơn 208.000 tỷ đồng, vượt qua VietinBank (CTG) và Tập đoàn FPT (FPT) để trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 3 sàn HoSE.
Diễn biến khởi sắc này xuất hiện trước thềm Vinhomes thực hiện giao dịch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến từ ngày 23/10 đến 22/11 theo thông báo gửi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo quy định giao dịch, ước tính doanh nghiệp bất động sản này cần đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu hoặc tối đa 37 triệu cổ phiếu VHM mỗi ngày.
Mục đích mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông trong bối cảnh thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực.
Kể từ thời điểm công bố kế hoạch mua cổ phiếu vào đầu tháng 8, thị giá VHM đã ghi nhận xu hướng phục hồi rõ rệt. So với mức đáy lịch sử thiết lập cách đây hơn 2 tháng, thị giá VHM đã tăng 39% tính đến hết phiên hôm nay.
Xét theo mức giá này, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam có thể phải chi hơn 17.600 tỷ đồng để hoàn tất đợt mua lại cổ phiếu nói trên. Đây cũng là thương vụ giao dịch mua lại cổ phiếu có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không chỉ là cổ phiếu có biên độ tăng cao nhất rổ vốn hóa lớn VN30, VHM còn là mã chứng khoán đóng góp nhiều nhất cho VN-Index hôm nay. Ngoài ra, nhóm ảnh hưởng tích cực đến chỉ số còn có EIB (tăng trần), VIC (+1,1%), VRE (+1,9%), VPB (+0,5%), BMP (+3,2%), GEX (+1,7%), CMG (+2,5%), VIX (+1,3%), QCG (tăng trần).
Mặt khác, áp lực điều chỉnh chủ yếu đến từ các bluechip như CTG (-2,1%), BID (-1,3%), GVR (-1,8%), VCB (-0,4%), FPT (-1,1%), TCB (-1,2%), ACB (-1,2%), HPG (-0,7%), MBB (-0,8%), BCM (-1,5%).
Khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp với quy mô 268 tỷ đồng, tập trung chốt lời STB (-129 tỷ đồng), FPT (-63 tỷ đồng), HPG (-56 tỷ đồng), SSI (-53 tỷ đồng).
Ngược lại, dòng tiền ngoại chảy mạnh vào VHM (+104 tỷ đồng), DXG (+50 tỷ đồng), MSN (+45 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Vinhomes chỉnh lại ngày thực hiện thương vụ mua lại 370 triệu cổ phiếu
Vinhomes đã điều chỉnh thời gian thực hiện giao dịch mua 370 triệu cổ phiếu VHM kết thúc sớm hơn 1 ngày nhằm đảm bảo chính xác số ngày được phép giao dịch.
Vinhomes tiến gần thương vụ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại 370 triệu cổ phiếu của Vinhomes. Công ty đăng ký mua lại cổ phiếu trong thời gian từ ngày 23/10 đến 22/11.
Giá vàng, USD tăng tác động ra sao đến chứng khoán Việt
Nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển vốn vào các tài sản an toàn hơn như USD và vàng. Việc giá kim loại quý và đồng bạc xanh đi lên cũng làm giảm sức hút của thị trường cổ phiếu.