NSND Tường Vy qua đời vào chiều 11/5. Bà mất ở tuổi 86. Trên trang cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A), con dâu cũ của NSND Tường Vi tiễn biệt bà. "Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua. Thương mẹ vô cùng", nữ ca sĩ chia sẻ.
NSND Tường Vy bên cây đàn piano tại nhà riêng ở Hà Nội vào năm 2015. Ảnh: Quang Đức. |
NSND Tường Vy sinh năm 1938 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 16 tuổi, bà xin nhập ngũ và trở thành y tá tại Viện quân y 108. Sau đó, bà chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nghệ sĩ Tường Vy từng theo đoàn văn công đi biểu diễn trên khắp các chiến trường.
Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo bậc nhất, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca “huyền thoại” của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Bà đã nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên thủ các nước trên thế giới và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Những ca khúc để đời của bà có thể kể tới nhưTiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La, Người lái đò trên sông Pô Cô, Bóng cây Kơ Nia...
Trong một lần biểu diễn ở nước bạn Lào, trung tướng quân đội Lào là Coong Le, khi đó còn là đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dù 3 do Hoàng Thân Suvanafuma đứng đầu đã bị “mê hoặc” trước giọng hát của bà. Ông đã viết rất nhiều bức thư gửi cho ca sĩ để bày tỏ tình yêu và sự mến mộ, trong một bức thư có đoạn viết: “Tường Vy ơi, giọng em đẹp như vàng. Mấy ngày hôm nay, anh đi lên chùa cầu nguyện cho giọng hát của em đẹp mãi mãi".
NSND Tường Vy không chỉ là ca sĩ mà còn được nhiều người biết đến với vai trò của một nhạc sĩ hay sáng tạo âm nhạc. Đoạn staccato giả tiếng chim hót kinh điển trong ca khúc Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp thực ra là sáng tạo của chính Tường Vy. Sự sáng tạo này đã được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp hết lời khen ngợi và với các ca sĩ thể hiện sau này cũng phải hát hát đoạn staccato như một điều bắt buộc.
Nghệ Tường Vy cũng là chủ nhân của nhiều ca khúc như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời, Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình...
NSND Tường Vy là huyền thoại của nền tân nhạc. Ảnh: Quang Đức. |
Bà được phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1984), NSND vào năm 1993.
Khi về già, nghệ sĩ Tường Vy vẫn hoạt động âm nhạc, thiện nguyện tích cực, bền bỉ. Bà từng là giám đốc của 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng, chuyên giúp đỡ và dạy dỗ những trẻ em bị khuyết tật.
Trong một cuộc phỏng vấn, nghệ sĩ Tường Vy cho biết: "Tôi yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu khán giả và vô cùng yêu các em nhỏ mồ côi, tôi đã sống trong tình yêu đó suốt cả hành trình cuộc đời. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng “không tuổi” không có nghĩa là tôi giữ mãi được nét thanh xuân, sự trẻ khỏe về tinh thần nên tôi đã luôn cố gắng làm việc hết mình, ngay cả khi sức khỏe không cho phép. Tuổi xuân nào rồi cũng tàn phai cả. Nhưng nếu luôn sống tận hiến thì mình sẽ có niềm vui để tiếp tục cuộc hành trình mà đời đã trao cho mình".
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng.