Các doanh nghiệp muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa trong dây chuyền sản xuất ôtô. Ảnh: Việt Linh. |
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết Việt Nam hiện nay đã có một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh chính sách này, ông Vượng cho rằng Việt Nam sẽ sở hữu ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh.
Với VinFast, vị doanh nhân cho biết tỷ lệ nội địa hóa hiện trên 50% và phấn đấu hết năm 2026 đạt tối thiểu 80%. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ làm linh kiện phụ trợ.
Về sản lượng, VinFast sản xuất 80.000 xe/năm và sẽ nâng lên 200.000 xe trong năm 2025. Thực tế, con số này đã vượt ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh sinh lãi.
“Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng bao tiêu một phần linh kiện đó. Tôi cho đó là cơ hội thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ phát triển”, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Nói thêm về công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương cho rằng để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi cần có sản lượng và hàm lượng công nghệ lớn. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề.
“Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều. Trong số đó, chúng ta sản xuất 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng...”, ông Trần Bá Dương cho biết.
Trong lĩnh vực về linh kiện ôtô, Thaco đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước hơn 13 triệu USD tính riêng năm nay và dự kiến mở rộng giá trị giao dịch trong các năm tiếp theo.
Lãnh đạo Thaco bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét và quan tâm đến công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Chủ tịch Trần Bá Dương cũng cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ôtô đang hướng tới tiêu chí xanh, sạch.
Hiện mục tiêu của Thaco là trở thành trung tâm sản xuất ôtô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt là ASEAN.
Dù xanh hóa giao thông đang là xu hướng, việc chuyển hoàn toàn qua xe điện đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, an toàn... Thực tế, hầu hết hãng ôtô mà Thaco hợp tác đều phát triển phân khúc xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.
Do đó, đại diện Thaco mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện...
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.